Bệnh hở van tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Hở van tim là bệnh lý tim mạch nguy hiểm, diễn biến một cách âm thầm. Theo nhận định của các bác sĩ tại bệnh viện Vinmec, phần lớn bệnh hở van tim chỉ có thể nhận biết được bệnh khi trái tim đã suy yếu sau nhiều năm.

Bệnh hở van tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả Bệnh hở van tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Hở van tim là bệnh lý tim mạch nguy hiểm, diễn biến một cách âm thầm. Theo nhận định của các bác sĩ tại bệnh viện Vinmec, phần lớn bệnh hở van tim chỉ có thể nhận biết được bệnh khi trái tim đã suy yếu sau nhiều năm.

1. Hở van tim là bệnh gì?

Bệnh hở van tim (hay suy van tim) là tình trạng van tim đóng lại không kín do các nguyên nhân như thoái hóa, giãn vòng van, dính, co rút hay do dây chằng van tim quá dài,... khiến cho dòng máu bị trào ngược trở lại mỗi khi tim đóng van. Như vậy, tim bị hở van phải làm việc nhiều hơn mức bình thường để có thể bù đắp lượng máu bị thiếu hụt do sự trào ngược.

Đối với hệ tuần hoàn, các van tim giống như những cánh cửa đóng mở đều đặn theo nhịp đập trái tim, đảm bảo cho dòng máu được lưu thông theo một chiều nhất định giữa các buồng tim và giữa tim với động mạch. Các loại hở van tim (hở van 2 lá, hở van 3 lá, hở van động mạch chủ, van động mạch phổi) khiến cho khả năng bơm máu của tim suy giảm, hậu quả là tim phải làm việc nhiều hơn nữa để cung cấp đủ lượng máu cần thiết cho các cơ quan. Lâu dần, tim trở nên suy kiệt do phải liên tục làm việc quá công suất. Và vì vậy, van tim bị hở chính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra suy tim.

2. Phân loại mức độ hở van tim

vicare.vn-benh-ho-van-tim-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-hieu-qua-body-1
Các loại van tim đóng vai trò quan trọng trong quá trình lưu thông máu

Tùy theo tỷ lệ hở van, độ nghiêm trọng của mỗi loại hở van tim, như hở van 2 lá, hở van 3 lá, hở van động mạch chủ và hở van động mạch phổi, sẽ được chia làm 4 mức:

  • Hở van tim 1/4 (ứng với tỷ lệ hở dưới 20%): Đây là mức độ nhẹ, đa phần bệnh nhân không biểu hiện thành triệu chứng rõ rệt.
  • Hở van tim 2/4 (ứng với tỷ lệ hở trong khoảng 21-40%): Mức độ nhẹ nhưng có thể xuất hiện một số dấu hiệu bệnh và cần can thiệp điều trị.
  • Hở van tim 3/4 (tỷ lệ hở từ 40%): Mức độ trung bình, các triệu chứng ngày càng rõ rệt hơn như đau ngực, khó thở,... cần can thiệp điều trị ngay và theo dõi sự tiến triển của bệnh.
  • Hở van tim 4/4 (Hở van hoàn toàn): Đây đã là mức độ rất nặng, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và cần tiến hành điều trị kịp thời bằng các phương pháp phẫu thuật (sửa chữa hoặc thay van tim) để phòng tránh biến chứng suy tim và nhồi máu cơ tim có thể xảy ra.

3. Nguyên nhân gây bệnh hở van tim

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh hở van tim, có thể kể đến như:

  • Bệnh thấp tim: Là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra các bệnh về van tim ở nước ta. Thấp tim là sự tổn thương van tim do tác động của liên cầu khuẩn, làm cho van dày lên, vôi hóa hoặc khít hẹp trong thời gian dài, dẫn đến van đóng không kín;
  • Suy tim: Cơ tim bị suy dẫn đến hàng loạt các triệu chứng bất lợi cho tim, trong đó có giãn vòng van, giãn dây chằng, từ đó gây ra hở van tim;
  • Bệnh van tim bẩm sinh: Đây là những bất thường của van tim ngay từ khi sinh ra. Chẳng hạn như: hẹp van động mạch chủ do van động mạch chủ chỉ có hai lá van (bình thường là ba lá); hẹp van động mạch phổi; hẹp van hai lá (van hai lá có hình dù, vòng thắt trên van hai lá); hở van hai lá do tình trạng: xẻ lá van, có hai lỗ van,...;
  • Biến chứng gây ra bởi nhồi máu cơ tim: như đứt cơ nhú, đứt dây chằng van tim, rồi gây hở van tim;
  • Các tổ chức dưới van suy yếu: Đứt dây chằng van tim có thể gây ra hở van tim. Tổn thương ở thành động mạch chủ lên làm cho động mạch chủ suy yếu, lâu dần dẫn đến giãn động mạch chủ, hậu quả là hở van động mạch chủ;
  • Xơ hóa van tim do các bệnh hệ thống: bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp đều là những căn nguyên gây ra hở van tim;
  • Nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng và viêm ở các van tim cũng như lớp lót bên trong các buồng tim (lớp nội tâm mạc) được gọi là “Viêm nội tâm mạc” hay “Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn”. Một số tổn thương van tim thường gặp là thủng van, đứt dây chằng,... dẫn đến hở van tim;
  • Các nguyên nhân khác: thoái hoá van tim ở người cao tuổi, tình trạng chấn thương, bệnh u carcinoid, lắng đọng phân tử mucopolysaccharide, hội chứng Takayasu, phình giãn xoang valsalva,...

4. Triệu chứng hở van tim

vicare.vn-benh-ho-van-tim-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-hieu-qua-body-2
Hở van tim thường tiến triển trong âm thầm và chỉ biểu hiện rõ triệu chứng khi bệnh đã rất trầm trọng

Hở van tim là một bệnh lý tim mạch tiến triển trong âm thầm. Sự âm thầm này chính là tính chất nguy hiểm của bệnh. Bởi lẽ, trong giai đoạn đầu, bệnh nhân rất khó xác định được các dấu hiệu của bệnh. Đa phần hở van tim được tình cờ phát hiện trong khi bệnh nhân tiến hành thăm khám tổng thể (đối với trường hợp phát hiện sớm) hoặc khi bệnh đã tiến triển đến mức trầm trọng với các triệu chứng cụ thể như:

  • Khó thở, thở nhanh, nhất là khi vận động gắng sức hoặc khi nằm ngửa.
  • Nhịp tim nhanh bất thường, thường xuyên cảm thấy hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực hoặc loạn nhịp tim.
  • Đau thắt ngực, cảm giác như tim bị thắt lại, có vật nặng đè lên, lồng ngực bị bóp chặt.
  • Cảm giác mệt mỏi, nhanh chóng kiệt sức và không thể làm việc hiệu quả, nhất là những việc liên quan đến chân tay.
  • Hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng, thậm chí là ngất xỉu.
  • Sưng và phù nề ở mắt cá chân, bàn chân.

5. Cách điều trị bệnh hở van tim

Cần phải xác định mục tiêu điều trị hở van tim là cải thiện triệu chứng, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và hạn chế xảy ra biến chứng. Những phương pháp điều trị hở van tim phổ biến hiện nay bao gồm:

5.1. Thay đổi lối sống, ăn uống, sinh hoạt

vicare.vn-benh-ho-van-tim-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-hieu-qua-body-3
Chế độ ăn uống lành mạnh là “liều thuốc” tốt nhất dành cho sức khỏe tim mạch

Biện pháp không dùng thuốc bao giờ cũng là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với hầu hết các bệnh tim mạch:

  • Tăng cường bổ sung các loại trái cây tươi, rau xanh, sữa và sản phẩm từ sữa có ít hoặc không có chất béo, ngũ cốc nguyên hạt,...;
  • Hạn chế các món ăn chứa nhiều chất béo bão hòa: mỡ heo, da gà, bánh ngọt, kẹo, pizza, thịt xông khói, dầu động vật,...;
  • Ăn nhạt và hạn chế sử dụng muối;
  • Ăn uống điều độ và duy trì cân nặng lý tưởng;
  • Xây dựng thói quen luyện tập thể dục đều đặn, vừa sức (luyện tập 30 phút mỗi ngày với các hoạt động thể lực nhẹ nhàng như: đi bộ, yoga, ngồi thiền,...);
  • Tránh căng thẳng và giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái;
  • Bỏ hút thuốc lá, ngừng uống rượu bia;
  • Thực hiện vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng thường xuyên, tốt nhất nên dùng thêm chỉ nha khoa. Đặc biệt đối với bệnh nhân đã từng phẫu thuật van tim, nhiễm trùng nướu răng và sâu răng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh hở van tim.

5.2. Sử dụng thuốc điều trị

Thuốc là giải pháp hữu hiệu giúp làm giảm triệu chứng nhanh chóng, hạn chế nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Theo kinh nghiệm điều trị của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại bệnh viện Vinmec, một số nhóm thuốc điển hình được dùng trong điều trị hở van tim đó là:

  • Thuốc lợi tiểu: Giúp làm tăng sự đào thải muối và nước ở thận qua nước tiểu, từ đó giảm gánh nặng cho tim;
  • Thuốc chống loạn nhịp tim: Ổn định hệ cơ tim;
  • Thuốc giãn mạch và thuốc ức chế men chuyển: Giúp làm hạ huyết áp, cải thiện sự lưu thông máu;
  • Thuốc chẹn beta: Điều trị tăng huyết áp và kèm theo tác dụng làm chậm nhịp tim;
  • Thuốc chống đông máu: Giảm nguy cơ hình thành huyết khối, hạn chế xảy ra các biến cố tim mạch nguy hiểm.

5.3. Phẫu thuật điều trị hở van tim

Trong trường hợp các triệu chứng đã trở nên quá trầm trọng, kể cả việc sử dụng thuốc và thay đổi lối sống cũng không thể cải thiện tình trạng bệnh, lúc này các bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc can thiệp phẫu thuật, như sửa chữa hay thay van tim bằng các loại van sinh học hoặc lựa chọn van tim nhân tạo.

vicare.vn-benh-ho-van-tim-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-hieu-qua-body-4
Các loại van tim nhân tạo: Van hòn bi (hình A), van 1 cánh (hình B và C) và van 2 cánh (hình D).

Cũng theo các bác sĩ chuyên khoa tim tại bệnh viện Vinmec, thực tế cho thấy, người bệnh hoàn toàn có thể sống chung với căn bệnh hở van tim mà không phải gặp bất kỳ biến chứng gì nếu tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Bên cạnh đó, hãy thực hiện kiểm tra sức khỏe tim mạch thường xuyên với bác sĩ để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng gây ra do bệnh hở van tim.

5.4. Liệu pháp thay van tim động mạch chủ qua da (TAVI)

Tháng 3-2018, GS.TS.BS Võ Thành Nhân - Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park - đã triển khai phương pháp can thiệp tim mạch hiện đại nhất: thay van động mạch chủ qua da (TAVI) cho cụ ông Nguyễn Văn Đúng (90 tuổi, sống ở huyện Bình Chánh, TPHCM). Chưa đầy 1 tháng sau ca phẫu thuật kỳ diệu ấy, cụ Đúng đã tự đứng dậy đi lại được, xóa đi ám ảnh của hơn 2.500 ngày nằm liệt giường. Được biết, GS Nhân là chuyên gia đầu tiên về TAVI được công nhận ở Việt Nam, thực hiện 36 ca can thiệp trong hơn 2 năm qua với tỉ lệ thành công 100%, trong đó có nhiều ca rất phức tạp.

Xem thêm:

  • Cách điều trị bệnh hở van tim
  • Thông tin cần biết về bệnh hở van tim 2 lá
  • Những điều cần biết về căn bệnh hở van tim 3 lá