Bệnh ho gà ở trẻ em: Nguy hiểm nhưng có thể ngăn chặn sớm

Bệnh ho gà (Pertussis) là một căn bệnh nguy hiểm hay gặp ở trẻ em. Tuy nguy hiểm nhưng bệnh hoàn toàn có thể ngăn chặn và điều trị ở giai đoạn sớm. Bài viết sẽ cung cấp thông tin cụ thể xoay quanh bệnh lý này.

Bệnh ho gà ở trẻ em: Nguy hiểm nhưng có thể ngăn chặn sớm Bệnh ho gà ở trẻ em: Nguy hiểm nhưng có thể ngăn chặn sớm

Bệnh ho gà là gì?

Ho gà là một bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn ho gà Bordetella pertussis.

Bệnh lây qua tiếp xúc với người bệnh, nhất là trong giai đoạn đầu. Bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp nhờ vào các dịch tiết từ mũi họng khi bệnh nhân nói chuyện, ho, hắt hơi. Do đó, cần cách ly và tránh tiếp xúc với người bệnh.

Cách nhận biết bệnh ho gà

vicare.vn-benh-ho-ga-o-tre-em-nguy-hiem-nhung-co-ngan-chan-som-body-1
  • Thời gian đầu mắc bệnh, người bệnh có thể sốt nhẹ hoặc không sốt, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn và có những cơn ho nhẹ.
  • Sau khoảng 7 đến 10 ngày thì người bệnh bắt đầu ho nhiều hơn, cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1 đến 2 tuần, kéo dài từ 1 đến 2 tháng hoặc lâu hơn.

Bệnh ho gà có cơn ho rất đặc trưng: người bệnh ho rũ rượi không thể kìm lại được, sau đó là giai đoạn hít thở có tiếng rít như tiếng gà gáy, chính vì thế mới gọi bệnh lý này là ho gà. Cuối cơn ho thường chảy nhiều nước mắt, nước mũi, đờm và sau đó là nôn ói. Giữa những cơn ho, trẻ có thể cảm thấy dễ chịu và sinh hoạt bình thường.

Một điểm đặc biệt lưu ý là ở trẻ sơ sinh, có thể không có dấu hiệu ho điển hình như trên, trẻ có thể chỉ ho nhẹ hoặc không ho, nhưng trẻ lại có tình trạng ngưng thở tạm thời trong thời gian ngắn.

Bệnh ho gà có nguy hiểm không?

Đây là một bệnh lý rất nguy hiểm, đặc biệt là bệnh cảnh ho gà trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Người lớn vẫn có thể mắc bệnh tuy nhiên bệnh thường nhẹ và ít có biến chứng hơn.

  • Ho mức độ nặng và dai dẳng dễ làm cho người bệnh bị kiệt sức, giảm sức đề kháng cơ thể.
  • Ngay sau cơn ho, người bệnh có thể đỏ bừng mặt hoặc tím tái toàn thân do bị suy hô hấp, thậm chí tử vong do nghẹt thở.
  • Một số trường hợp ho nhiều dẫn đến xuất huyết kết mạc mắt.
  • Ngoài ra, có thể gặp các biến chứng như bội nhiễm vi khuẩn khác gây viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thiếu ôxy não có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn hoặc dẫn đến tử vong.

Điều trị bệnh ho gà như thế nào?

Do tính chất nguy hiểm nên khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa người bệnh đi khám ngay.

  • Cần làm thông thoáng đường thở bằng cách nhỏ mũi với nước muối sinh lý (Natri clorua 0,9%) và hút đàm nhớt.
  • Hỗ trợ hô hấp bằng cách thở ôxy, đặc biệt là khi có suy hô hấp.
  • Ngoài ra, cần bổ sung chất dinh dưỡng, bổ sung nước và điện giải thông qua uống dung dịch oresol (ORS), nước ép trái cây, nước cháo lỏng. Đối với trẻ còn bú mẹ, cần tăng số lần bú và thời gian mỗi lần bú, đặc biệt là khi có sốt hay nôn ói do gây mất nhiều nước và điện giải.
  • Nếu nôn nhiều và không ăn uống được có thể phải nuôi ăn qua ống thông dạ dày hoặc qua đường tĩnh mạch.
  • Khi trẻ ho, bế trẻ ngồi dậy và nghiêng đầu sang một bên.
  • Vì đây là một bệnh do vi khuẩn gây ra nên điều trị không thể thiếu kháng sinh theo sự chỉ định của bác sĩ. Một số loại kháng sinh thường dùng như: Ampicillin, Erythromycin, Roxithromycin, Clarithromycin, Azithromycin... Tuy nhiên, khi mắc bệnh tuyệt đối không tự mua những kháng sinh này uống mà phải điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa vì như thế mới đạt được hiệu quả và tránh những biến chứng nguy hiểm.
  • Hạn chế sử dụng các loại thuốc an thần, long đàm, chống dị ứng vì không những không có hiệu quả mà còn có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
  • Có thể dùng thêm các vitamin A, B1, B6, C, D, cũng như dùng gamma globulin đặc hiệu tiêm dưới da trong thời kỳ đầu của bệnh.

Chăm sóc bệnh nhân ho gà

vicare.vn-benh-ho-ga-o-tre-em-nguy-hiem-nhung-co-ngan-chan-som-body-2
  • Đảm bảo môi trường sống tránh chất kích thích có thể khởi phát hoặc làm nặng cơn ho như: bụi, khói thuốc lá, hóa chất.
  • Bệnh nhân cần nghỉ ngơi nơi thoáng mát, tránh gió lùa, tránh vận động nhiều.
  • Nên ăn thức ăn mềm loãng, dễ tiêu hóa, chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Đối với trẻ bú mẹ thì vẫn cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ.
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là vùng mũi họng, răng miệng. Sau mỗi cơn ho, cần lau sạch đàm nhớt ở mũi miệng với nước muối ấm. Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý.

Phòng bệnh ho gà như thế nào?

Phòng bệnh là một công việc vô cùng cần thiết đối với một bệnh lý nguy hiểm như ho gà. Cách phòng bệnh rất đơn giản như sau:

Chích ngừa ho gà

Tiêm vắc xin phòng ngừa ho gà cho trẻ là biện pháp đạt hiệu quả phòng bệnh đến 90%.

  • Vắc xin phòng bệnh ho gà thường được phối hợp với các loại vắc xin khác và được tiêm 4 mũi theo chương trình tiêm chủng mở rộng: khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, đủ 3 tháng tuổi, đủ 4 tháng tuổi và đủ 18 tháng tuổi.
  • Vắc xin này hoàn toàn miễn phí cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng tại tất cả các trạm y tế xã phường trên toàn quốc.
  • Ngoài ra, để phòng bệnh cho trẻ dưới 2 tháng tuổi, các bà mẹ có thể tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh uốn ván - bạch hầu - ho gà trong thời gian mang thai.

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất.

Cách ly người bệnh

Do bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp nên cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Nếu người thân trong gia đình mắc bệnh thì cần phải điều trị triệt để. Khi chăm sóc hoặc tiếp xúc người bệnh, cần đeo khẩu trang.

Đối với trẻ có tiếp xúc với người bệnh, có thể dùng gamma globulin tiêm dưới da hoặc dùng kháng sinh Erythromycin dự phòng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng.

Xem thêm:

  • Tổng quan về bệnh ho gà mẹ cần biết
  • Phải làm gì khi trẻ bị ho gà trong mùa dịch bệnh