Bệnh ho gà ở trẻ em: Khi nào cần đưa trẻ đi viện?
Bệnh ho gà ở trẻ em là bệnh về đường hô hấp khá phổ biến. Với trẻ lớn thì thường có thể cơ thể sẽ hồi phục lại bình thường nhưng với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi thì bệnh ho gà lại được coi là vô cùng nghiêm trọng.
Bệnh ho gà ở trẻ em: Khi nào cần đưa trẻ đi viện?
Bệnh ho gà ở trẻ em là bệnh về đường hô hấp khá phổ biến. Với trẻ lớn thì thường có thể cơ thể sẽ hồi phục lại bình thường nhưng với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi thì bệnh ho gà lại được coi là vô cùng nghiêm trọng.
Ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra đối với mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện chính của bệnh là cơn ho dữ dội và thở rít vào.
Bệnh ho gà ở trẻ em lây truyền qua đường nào?
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ họng, niêm mạc mũi của người bệnh khi hắt hơi, ho. Khả năng lây lan của bệnh tương đối cao, nhất là đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng 1 không gian khép kín như trong nhà, hay trường học...
Các nguyên nhân gây bệnh ho gà ở trẻ em
Ho gà là một bệnh truyền nhiễm. Mọi người có thể mắc bệnh do tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân bị nhiễm bệnh hay chỉ đơn giản là hít phải không khí có chứa vi trùng. Vi trùng thường đi vào mũi hoặc là cổ họng.
Hầu hết trẻ em được tiêm phòng ho gà 1 vài lần vào giai đoạn đầu đời. Các lần tiêm ngừa thường bắt đầu từ khi bé được hai tháng tuổi và tiếp tục cho đến khi trẻ được từ 4 đến 6 tuổi. Ngay cả khi đã tiêm ngừa, trẻ vẫn còn nguy cơ bị ho gà, nhưng ở mức thấp bởi vắc-xin không thể có hiệu quả 100%.
Chính vì thế, nếu thấy các dấu hiệu dưới đây, bạn cần đưa trẻ đi khám ngay. Đồng thời, tiêm ngừa cho trẻ theo lịch tiêm chủng.
Biểu hiện của bệnh ho gà ở trẻ em
Thời gian đầu mắc bệnh
Trẻ thường xuất hiện những cơn ho nhẹ, sau đó ho trở nên nhiều hơn, chảy nước mũi, hắt hơi, sốt nhẹ.
Giai đoạn kịch phát
- Cơn ho kéo dài, xuất hiện 1 cách tự nhiên hay do 1 kích thích nhỏ.
- Trẻ ho rũ rượi, thở rít (khi hít thở sẽ xuất hiện tiếng rít giống tiếng rít cổ ở gà), nôn nhiều đờm, đặc quánh, đỏ mặt. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có các cơn ngừng thở ngắn. Giữa các cơn ho, thông thường trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu và có thể sinh hoạt được bình thường. Ngoài ra trong giai đoạn này còn thấy 1 số dấu hiệu như: xuất huyết kết mạc mắt hay bầm tím quanh mi mắt dưới, chảy máu cam.
Giai đoạn hồi phục
Cơn ho ngắn lại và số cơn giảm. Ho còn có thể tồn tại trong một vài tuần
Các yếu tố cho thấy bệnh của trẻ nặng hơn bình thường
Trẻ bị ho gà có kèm theo một trong các yếu tố sau thì có thể hiểu bệnh của trẻ sẽ là nặng:
- Trẻ dưới 6 tháng, và đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng
- Ăn uống kém và nôn nhiều.
- Cơn ngừng thở kéo dài.
- Co giật
- Viêm phổi
Cách chăm sóc tại nhà đối với trẻ bị bệnh ho gà
Với những trẻ mắc bệnh ho gà thể nhẹ: Số cơn ho ít, trẻ vẫn ăn uống bình thường, trong cơn ho không tím mặt, thời gian mỗi cơn ho ngắn, những trường hợp này mẹ có thể chăm sóc tại nhà.
- Đảm bảo môi trường sống tránh chất kích thích như: bụi, hóa chất, khói thuốc lá.
- Cho trẻ nghỉ ngơi, yên tĩnh và tránh kích thích.
- Với trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho bú mẹ bình thường. Với trẻ ăn dặm và trẻ lớn: cho trẻ ăn dễ tiêu, lỏng, ăn ít một và chia làm nhiều bữa.
- Vệ sinh thân thể và mũi miệng cho trẻ. Sau mỗi cơn ho vệ sinh sạch đờm ở miệng cho trẻ, dùng khăn mềm để lau sạch miệng bằng nước muối ấm. Có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 9‰. Với trẻ lớn vệ sinh răng miệng và súc miệng với nước muối
- Cách ly trẻ đang bị bệnh với các trẻ khác để tránh lây lan bệnh
- Cho trẻ uống thuốc theo như đơn của bác sĩ nếu có.
Khi nào thì cần phải đưa trẻ đi khám ngay?
Khi trẻ ho có kèm một trong các dấu hiệu sau:
- Trẻ có nhiều cơn ho, trong cơn ho có đỏ hay tím mặt, thời gian mỗi cơn ho thường kéo dài
- Ăn kém và nôn chớ nhiều
- Ngủ ít
- Thở nhanh hay khó thở
Phòng bệnh ho gà ở trẻ em
Tiêm phòng vắc-xin đầy đủ là biện pháp hiệu quả nhằm giảm số trường hợp mắc bệnh, giảm tỷ lệ tử vong, và đặc biệt đối với trẻ em. Hiện nay, trẻ dưới 1 tuổi có thể tiêm vắc-xin 5 trong 1 để phòng nhiều bệnh - trong đó có ho gà (gồm ho gà, uốn ván, viêm gan b, bạch hầu, viêm màng não do Haemophilus Influenzae).
Để phòng bệnh ho gà và các bệnh lây nhiễm cho trẻ nhỏ, cần tránh cho trẻ tiếp xúc với các đối tượng nghi ngờ mắc bệnh. Khi chăm sóc, tiếp xúc gần với trẻ thì người lớn cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh răng miệng, mũi họng giúp phòng nguy cơ lây truyền bệnh cho trẻ. Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ thì càng nên hạn chế tiếp xúc đông người, vì có thể sẽ lây nhiễm nhiều loại vi-rút nguy hiểm.
Khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh cần phải cách ly trẻ với các trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt để tránh có nguy cơ bị biến chứng.
Xem thêm:
- Bố mẹ tiêm vắc-xin ho gà có thể bảo vệ trẻ sơ sinh
- Tổng quan về bệnh ho gà mẹ cần biết
- Những việc mẹ cần làm ngay để con không mắc ho gà