Bệnh gerd là bệnh gì?
Bạn đã từng bị ợ chua, ợ nóng, cảm giác đau rát trong ngực? Rất có thể là bạn đang bị trào ngược dạ dày thực quản, hay còn gọi là bệnh GERD. Đây là một bệnh rất phổ biến nhưng có thể nhiều người chưa hiểu biết đủ về nó. Hãy cùng tìm hiểu bệnh GERD là bệnh gì ở dưới đây.
Bệnh gerd là bệnh gì?
Bệnh gerd là bệnh gì?
GERD là viết tắt của cụm từ tiếng Anh: gastroesophageal reflux disease, dịch ra là bệnh trào ngược dạ dày thực quản. GERD là một bệnh đường tiêu hóa mãn tính, và là hiện tượng chất dịch và mật trong dạ dày đẩy ngược lại vào thực quản, gây kích thích thực quản. Về lâu dài, người bệnh sẽ bị tổn thương niêm mạc thực quản, sẹo thực quản và có các biến chứng về hô hấp như thở khò khè, viêm phế quản mãn tính.
Các triệu chứng của bệnh GERD là:
- Cảm giác nóng trong lồng ngực, có thể lan lên cổ họng. Trong miệng có thể có vị chua, gọi là ợ chua.
- Đau rát vùng ngực, khó nuốt, ho khan, cảm giác có khối u trong cổ họng.
- Nghiêm trọng hơn là nôn ra thức ăn hoặc chất dịch lỏng chua. Biểu hiện này thường gặp ở trẻ em.
- Nếu bị viêm thực quản, bệnh nhân có thể nôn ra máu
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh GERD là do trào ngược axit dạ dày thường xuyên gây ra. Lý do dẫn đến trào ngược là khi van thực quản xuống dạ dày không thể đóng khít, khiến cho các chất trong dạ dày bị đẩy ngược lại thực quản. Các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ trào ngược cao là:
- Tâm lý không tốt: khi bị stress, lo lắng, hoặc bực bội, cơ thể thường tiết ra nhiều axit dạ dày hơn và kích thích dạ dày co bóp mạnh hơn, dẫn đến axit trào ngược.
- Các bệnh liên quan đến dạ dày: ví dụ, bệnh viêm loét dạ dày khiến cho khả năng tiêu hóa kém đi, dẫn đến thức ăn bị ứ đọng trong dạ dày lâu hơn. Điều này dẫn đến việc dạ dày hoạt động mạnh hơn và đẩy thức ăn ngược trở lại.
- Béo phì: ở người béo phì, cơ co thắt thực quản phải chịu nhiều áp lực, dẫn đến cơ bị yếu và thức ăn dễ trào ngược từ dạ dày.
- Phụ nữ mang thai: ở phụ nữ mang thai, các hooc-môn làm cho hệ tiêu hóa chậm lại. Ngoài ra, bào thai lớn dần lên sẽ chèn vào dạ dày. Vì thế, các chất trong dạ dày dễ bị đẩy ngược lại thực quản.
- Chế độ ăn uống: một số thức ăn như đồ chiên rán, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, các đồ uống có cồn và cà phê có thể dẫn đến trào ngược.
- Một số loại thuốc có thể khiến cho tình trạng trào ngược tệ hơn, ví dụ như aspirin.
- Hút thuốc lá cũng có ảnh hưởng đến trào ngược dạ dày.
Phòng tránh các triệu chứng bệnh
Trước khi uống thuốc thì việc thay đổi thói quen hằng ngày để phòng tránh các triệu chứng bệnh sẽ được bác sĩ gợi ý trước:
- Giảm cân và giữ cơ thể ở mức cân nặng hợp lý.
- Từ bỏ việc hút thuốc.
- Nâng đệm hoặc nâng đầu giường lên khoảng 20-30 cm.
- Không nằm xuống sau khi ăn: cần phải chờ ít nhất 3 tiếng trước khi nằm xuống sau khi ăn.
- Tránh ăn những món ăn có thể gây trào ngược cho bạn.
- Không mặc quần áo chật, nhất là quần áo bó ở phần eo.
- Chia nhỏ các bữa ăn thay vì ăn các bữa lớn.
Điều trị bệnh GERD như thế nào?
Nếu như các thay đổi lối sống như trên không làm giảm các triệu chứng GERD thì người bệnh có thể sử dụng thuốc. Ngoài ra, bạn vẫn cần tuân thủ các hành động thay đổi thói quen sinh hoạt trên. Thuốc điều trị GERD chia làm ba loại sau:
- Thuốc kháng axit: như tên gọi, đây là thuốc có khả năng trung hòa axit trong dạ dày. Một số thuốc thường thấy là: Maalox, Mylanta, Tums. Thuốc này có tác dụng rất nhanh chóng, và thường được sử dụng để làm dịu cơn trào ngược ngay tức thì. Tuy nhiên các thuốc này chỉ chữa triệu chứng chứ không giúp làm lành thực quản đã bị tổn thương.
- Thuốc ức chế H2: một số thuốc thường gặp là Tagamet, Pepcid, Zantac. Các thuốc này ức chế hoạt động của histamin, dẫn đến giảm lượng axit do dạ dày tiết ra. Thuốc này có tác dụng chậm hơn, và thường được uống thường xuyên trước khi ăn để phòng tránh trào ngược. Nhờ vậy, qua một thời gian, các mô thực quản có thể lành lại.
- Thuốc ức chế bơm proton: một số thuốc thông dụng là Nexium, Prilosec, Protonix. Các thuốc này ức chế hoạt động bơm proton để tạo axit, dẫn đến giảm lượng axit do dạ dày tiết ra. Tương tự như thuốc ức chế H2, thuốc ức chế bơm proton cũng cần phải được sử dụng thường xuyên trước khi ăn để có tác dụng tốt nhất.
Khi bệnh GERD trở nên nghiêm trọng và sử dụng thuốc không có tác dụng thì bác sĩ sẽ có thể thử phương án phẫu thuật. Hai phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng là:
- Fundoplication: khi làm phẫu thuật này, bác sĩ sẽ uốn và cuốn phần trên của dạ dày xung quanh van thực quản rồi cố định lại để giảm khả năng trào ngược.
- LINX: đây là phẫu thuật nhằm đưa một vòng kim loại nhỏ đặt xung quanh vùng cơ vòng thực quản tiếp xúc với dạ dày. Vòng kim loại sẽ giúp tăng cường độ khít của van thực quản nhưng vẫn đủ rộng để cho thức ăn đi qua
Xem thêm :
- Có nên phẫu thuật khi bị trào ngược dạ dày?
- Những món ăn chữa trào ngược dạ dày cực hiệu quả
- Vì sao chứng trào ngược dạ dày thực quản lại gây ra bệnh ung thư dạ dày