Bệnh đái tháo nhạt là gì?

Đái tháo nhạt là hiện tượng đi đái nhiều lần trong cả ngày lẫn đêm và bệnh nhân luôn trong tình trạng khát nước. Đái tháo nhạt không nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, lao động hàng ngày. Bạn cần tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và điều trị sớm để thoát khỏi tình trạng phiền phức này.

Bệnh đái tháo nhạt là gì? Bệnh đái tháo nhạt là gì?

Bệnh đái tháo nhạt là gì?

Đái tháo nhạt là tình trạng bệnh lý do mất khả năng tái hấp thu nước ở ống thận, hậu quả của sự thiếu ADH tương đối hoặc tuyệt đối dẫn đến tiểu nhiều, uống nhiều, nước tiểu có tỉ trọng thấp và uống nhiều, bệnh có thể xảy ra do kém phóng thích ADH (Đái tháo nhạt trung ương hoặc thần kinh) hoặc do thận đáp ứng kém với ADH (Đái tháo nhạt thận). Có khoảng 50% trường hợp đái tháo nhạt không rõ nguyên nhân.

Bệnh đái tháo nhạt thường hay bị nhầm lẫn với bệnh đái tháo đường (tiểu đường). Tuy nhiên, thực tế hai bệnh này không có liên quan đến nhau.

Bệnh có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào. Nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.

vicare.vn-benh-dai-thao-nhat-la-gi-body-1

Có những nguyên nhân nào gây bệnh đái tháo nhạt?

Bệnh đái tháo nhạt xảy ra do một số nguyên nhân sau:

Đái tháo nhạt trung ương (Đái tháo nhạt thần kinh)

Các thương tổn vùng dưới đồi tuyến yên gây suy tuyến yên có thể là nguyên nhân gây đái tháo nhạt, các thương tổn vùng dưới đồi như u sọ hầu (craniopharygiomas) hoặc các thương tổn khác của thần kinh trung ương do thâm nhiễm, thường dễ dẫn đến đái tháo nhạt.

Đái tháo nhạt cũng có thể do chấn thương, hoặc do các phẫu thuật u dưới đồi, u tuyến yên.

Đái tháo nhạt do gia đình, là một bệnh hiếm, do di truyền, xảy ra ở tuổi nhỏ. Đái tháo nhạt vô căn thường xuất hiện ở cuối tuổi ấu thơ, thanh niên và tuổi trưởng thành, bệnh cảnh cũng thường có sự giảm số lượng sợi thần kinh chứa ADH. Có khoảng 30-40% các bệnh nhân có kháng thể trực tiếp neuron vùng dưới đồi tiết ADH. Đái tháo nhạt do di truyền thường đi kèm với đái tháo đường, teo mắt, điếc, đái tháo nhạt với rối loạn men của ADH lưu thông do gia tăng enzyme Vasopressinase xuất hiện lúc mang thai.

Đái tháo nhạt do bệnh thận:

Bệnh xuất hiện do thận không đáp ứng với tác dụng sinh lý của ADH, trong trường hợp này ADH trong máu bình thường hoặc gia tăng. Các bệnh thận mạn tính, nhất là các bệnh gây tổn thương vùng tủy và các ống góp có thể dẫn đến đái tháo nhạt do thận. Các rối loạn điện giải: Hạ kali máu, tăng Calci máu làm giảm khả năng cô đặc nước tiểu. Có nhiều loại thuốc góp phần làm xuất hiện bệnh đái tháo nhạt do thận như: lithium, Demeclocycline, Methoxyflurane, Amphotericin B, Aminoglycosides, Cysplatin, Rifampiciny. Trong thai kỳ, một aminopeptidase từ nhau thai làm tăng chuyển hoá AVP gây thiếu AVP dẫn đến tiểu nhiều..

Uống nhiều tiên phát

Thực chất không phải bệnh đái tháo nhạt, bệnh nhân uống nhiều do tâm lý. Lượng nước uống có thể nhiều hơn cả trường hợp đái tháo nhạt thật sự. Bệnh thường gặp trên một cơ địa loạn thần, bệnh xuất hiện từ từ sau một sang chấn tâm lý.

Triệu chứng bệnh đái tháo nhạt

Hai triệu chứng bệnh đái tháo nhạt điển hình là uống nhiều mà không hết khát và tiểu nhiều cả ngày lẫn đêm. Trong đó tiểu nhiều là triệu chứng chính của đái tháo nhạt, lượng nước tiểu từ 5-10 lít/ngày, có khi lên đến 15-20 lít/ngày, có khi ít hơn nhưng đặc biệt nước tiểu loãng như nước lã.

Khát và uống nhiều. Người bệnh có thể khát nhiều, không ngừng, không hết khát. Sự khát nước đánh thức bệnh nhân dậy trong đêm. Toàn trạng bệnh nhân vẫn tốt, trừ trường hợp đái tháo nhạt kèm sự thương tổn làm phá hủy vùng dưới đồi - tuyến yên. Nếu bệnh nhân không thể uống được (ví dụ hôn mê vì chấn thương sọ não, thuốc mê...) có thể dẫn đến tử vong. Các trường hợp chấn thương sọ não hoặc phẫu thuật ở đầu có thể làm xuất hiện bệnh cảnh này, cần theo dõi lượng nước tiểu, nồng độ huyết tương và nước tiểu ở bệnh nhân có hôn mê giúp ngăn ngừa thiếu nước trầm trọng, do ĐTN không được chẩn đoán. Rất hiếm khi đái tháo nhạt kèm phá hủy trung tâm khát, làm trầm trọng nhanh chóng bệnh cảnh dẫn đến tử vong. Các trường hợp hẹp niệu đạo kèm gây thận ứ nước cũng rất hiếm.

vicare.vn-benh-dai-thao-nhat-la-gi-body-2

Mức độ nguy hiểm của bệnh đái tháo nhạt

Đái tháo nhạt nguy hiểm khi lượng nước uống vào ít hơn lượng nước tiểu, chủ yếu là ở những bệnh nhân già hoặc bệnh nhân là trẻ em gây mất nước: nhịp tim nhanh, huyết áp tụt; yếu cơ, đau cơ; sốt, đau đầu, sút cân; xét nghiệm thấy tăng natri máu.

Uống nước nhiều mà không cảm thấy hết khát: Đi tiểu nhiều gây mất nước, tăng áp lực thẩm thấu máu, kích thích trung tâm khát ở vùng dưới đồi tạo nên cảm giác khát.

Điều trị bệnh đái tháo nhạt như thế nào?

Phương pháp điều trị đái tháo nhạt phụ thuộc vào các yếu tố và nguyên nhân gây bệnh.

Nếu nguyên nhân gây bệnh là do sức ép của khối u lên tuyến yên, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u. Ngoài ra, nếu nguyên nhân là do ảnh hưởng tạm thời của các ca phẫu thuật não hoặc các bệnh khác, người bệnh có thể được chỉ định các loại thuốc chuyên biệt, mà không cần đến phẫu thuật.

Đặc biệt, người bệnh nên kiểm soát lượng nước uống vào và thải ra. Nếu khát nước, người bệnh không nên uống quá ít hoặc quá nhiều, chỉ nên uống một lượng vừa đủ để thận có thể hoạt động ổn định lại.

Làm thế nào để kiểm soát bệnh đái tháo nhạt?

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh đái tháo nhạt của mình nếu lưu ý vài điều sau đây:

  • Uống nước vừa đủ khi khát.
  • Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Tìm bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm nếu bạn cần phải phẫu thuật.
  • Thông báo ngay cho bác sĩ nếu bạn không hết cảm giác khát nước.
  • Đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất nếu bạn có dấu hiệu sốt cao, tiêu chảy, đổ mồ hôi hoặc bạn vẫn đi tiểu nhiều hơn ngay cả trong giai đoạn điều trị.

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám ngay khi nhận thấy dấu hiệu nào bất thường để được tư vấn điều trị bệnh đái tháo nhạt hiệu quả.

Xem thêm:

  • Lợi ích của tập thể dục đối với bệnh đái tháo đường
  • 10 dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường
  • Những ai dễ mắc đái tháo đường thai kì và cách phòng tránh ra sao?