Bệnh Crohn là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và cách điều trị
Bệnh Crohn trở thành một nỗi ám ảnh đối với tất cả những ai mắc phải. Bệnh gây ra những triệu chứng đường ruột như đau bụng, tiêu chảy, co thắt ruột,..., ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Dưới đây là những điều bạn cần biết về căn bệnh này.
Bệnh Crohn là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và cách điều trị
Bệnh Crohn là gì?
Bệnh Crohn hay còn gọi là u hạt viêm ruột, viêm khu vực đại tràng, viêm manh tràng hay viêm ruột khu vực, là một dạng bệnh viêm ruột, gây loét thành trong của ruột non và ruột già và thường có xu hướng chuyển từ bệnh nặng sang thuyên giảm và tái phát trở lại.
Do các viêm nhiễm gây ra bởi bệnh Crohn nên nó có thể đi sâu vào bên trong các lớp mô ruột, khiến cho người bệnh rất đau đớn, suy nhược cơ thể, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo các nhà khoa học, bệnh này hiện vẫn đang chưa được xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, họ cho rằng bệnh có liên quan đến một số loại vi khuẩn như các chủng Mycobacterium. Những người ở khu vực thành phố, đô thị hoặc ở các nước công nghiệp phát triển có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh cũng tác động đến căn bệnh này.
Triệu chứng của bệnh Crohn
Đây là một căn bệnh khó chẩn đoán vì nó có triệu chứng gần giống với viêm ruột thừa cấp, lao ruột, lao manh tràng, u nang buồng trứng xoắn, vỡ chửa ngoài dạ con,.... Vì vậy, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra để có phương pháp điều trị phù hợp. Triệu chứng của bệnh được biểu hiện ở 2 thể cấp tính và mạn tính.
Đối với thể cấp tính, bệnh có những biểu hiện giống với viêm ruột thừa cấp:
- Sốt cao trên 39 độ.
- Đau vùng hố chậu phải, đau sau khi ăn xong và bớt đau sau khi đi đại tiện.
- Chướng bụng. Khi ấn vào thấy đau, đôi khi có thể sờ thấy một khối dài ở vùng hố chậu phải
- Buồn nôn và nôn.
- Đi ngoài ra phân lỏng, phân có lẫn máu.
- Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng.
Sau khoảng từ 2 - 4 năm, bệnh có thể phát triển thành mạn tính, với những triệu chứng giống như thể cấp tính, kèm theo một số triệu chứng khác như:
- Thiếu máu
- Thủng ruột, hẹp lòng ruột.
- Rò từ hồi tràng vào đại tràng, bàng quang và một số cơ quan lân cận khác.
- Kết quả chụp X-quang cho thấy quai ruột hồi tràng giãn hay hẹp, các tổn thương viêm, loét hoặc các đường dò.
Ở trẻ em, bệnh có biểu hiện rõ ràng nhất là tình trạng suy dinh dưỡng nặng. Người bệnh có thể giảm cân do mất đi cảm giác ngon miệng.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh Crohn
Đa số người bệnh Crohn có thể gặp phải một hay nhiều biến chứng, như:
- Tắc ruột: Tắc ruột đột ngột xảy ra khi thức ăn bị ứ đọng lại trong một đoạn ruột bị hẹp. Tắc ruột từ từ xảy ra khi chít hẹp ruột hoàn toàn do bị tổn thương.
- Chảy máu tiêu hóa: Thường chảy máu ít và dai dẳng, có trường hợp xuất huyết ồ ạt, khiếu người bệnh bị thiếu máu.
- Nguy cơ ung thư đại tràng: Người bệnh Crohn có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn những người khác. Áp - xe do bệnh Crohn kéo dài còn làm tăng nguy cơ phát triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy hoặc ung thư biểu mô u tuyến.
Điều trị bệnh Crohn như thế nào?
Do chưa xác định được nguyên nhân mắc phải nên căn bệnh này hiện không có biện pháp điều trị dứt điểm mà chỉ có thể giúp người bệnh giảm nhẹ những triệu chứng của bệnh. Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bạn có thể áp dụng những điều sau đây để kiểm soát bệnh:
Thay đổi chế độ dinh dưỡng
- Hạn chế những loại thực phẩm chứa nhiều gia vị, chất béo, bơ sữa, nước uống có ga vì chúng có thể gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu, ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột.
- Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả để tiêu hóa dễ dàng hơn.
- Ăn nhiều đạm, thức ăn chứa nhiều năng lượng.
- Nên chia nhỏ 3 bữa ăn chính thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày để dễ tiêu hóa hơn.
- Hạn chế sử dụng rượu, bia, caffeine, thuốc lá vì đây là những tác nhân khiến bệnh trở nên xấu hơn.
Giữ một tinh thần thoải mái
Hạn chế căng thẳng, stress.
Thường xuyên tập thể dục
Vận động cơ thể giúp cơ thể khỏe mạnh.
Trong trường hợp người bệnh bị thủng ruột, chảy máu không cầm được, biến chứng nhiễm khuẩn thì bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật để điều trị.
Xem thêm:
- Phát hiện mới về ảnh hưởng của bệnh viêm ruột mãn tính - Crohn lên não
- Thuốc Stelara (Thuốc ức chế miễn dịch) có thể điều trị bệnh Crohn
- Phân biệt dấu hiệu viêm đại tràng mạn tính với các bệnh đường ruột