Bệnh cơ tim phì đại là bệnh gì?
Bệnh cơ tim phì đại là một trong những bệnh do gen di truyền với tỷ lệ là 1/500. Bệnh không có triệu chứng lâm sàng dễ nhận biết nhưng lại là nguyên nhân gây đột tử hàng đầu ở những người trẻ tuổi và các vận động viên.
Bệnh cơ tim phì đại là bệnh gì?
Cơ tim phì đại là sự thay đổi bất thường của toàn bộ cơ tim hoặc các bộ phận như tâm thất trái, thất phải, mỏm tim... khiến quá trình máu lưu thông bị tắc nghẽn, gây ra các triệu chứng khó chịu, thậm chí đột tử rất nguy hiểm.
Biểu hiện của bệnh cơ tim phì đại
Bệnh nhân thường không cảm thấy những cơn đau báo trước hoặc không có bất kỳ cảnh báo nào cho biết mình đang mắc cơ tim phì đại. Khi cơn đau đầu tiên xuất hiện, cũng thường là lúc bệnh phát nặng và dễ dẫn đến đột tử ngay lập tức. Bệnh thường được phát hiện nhờ tình cờ thăm khám vì các bệnh lý khác. Một số bệnh nhân có thể được cảnh báo trước thông qua những triệu chứng nhưng lại vô tình xem nhẹ và bỏ qua như:
- Đau tức ngực
- Chóng mặt, hoa mắt
- Khi vận động mạnh thường cảm thấy đau tức ngực, khó thở
- Thường bị ngất xỉu
Nếu có những triệu chứng như trên và nghi ngờ bị cơ tim phì đại, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám.
Một số phương pháp giúp chẩn đoán cơ tim phì đại chính xác là:
- Siêu âm tim
- Chụp X-quang
- Đo điện tâm đồ
- Thông tim để đo được áp lực máu ở các buồng tim
- Phân tích gen di truyền đối với các thành viên trong gia đình để tìm ra gen đột biến gây bệnh
Hướng điều trị bệnh cơ tim phì đại
Hiện nay những phương pháp điều trị bệnh cơ tim phì đại đa phần nhằm giảm nhẹ triệu chứng của bệnh. Bệnh nhân có thể điều trị bằng sử dụng thuốc, nặng hơn thì phải thực hiện phẫu thuật.
Các loại thuốc sử dụng bao gồm:
- Thuốc chẹn beta: giúp làm giảm tốc độ nhịp tim và ngăn sự phì đại của cơ tim
- Thuốc chẹn canxi: giúp kéo dài thời gian tâm trương và tăng cường sức co bóp
- Thuốc chống rối loạn nhịp tim
Bệnh nhân cũng được khuyên rằng không nên vận động quá sức nhất là các vận động viên tham gia những môn thể thao mang tính hoạt động mạnh như bóng đá, bóng rổ, bơi lội...
Nếu không thể điều trị bằng thuốc bệnh nhân có thể được tư vấn lựa chọn các phương pháp điều trị cơ tim phì đại sau:
- Phẫu thuật cắt lọc cơ tim:
Phần phì đại sẽ được cắt bỏ đi để không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông máu trong tâm thất nữa. Tỷ lệ thành công của phương pháp này lên đến 90% và bệnh nhân có cơ hội sống bình thường, có thể kéo dài hơn 30 năm. Xác suất xảy ra tai biến trong ca phẫu thuật khá thấp chỉ khoảng 2 - 3% nên các bệnh nhân có thể yên tâm lựa chọn phương pháp này.
- Đốt cơ tim bằng cồn nguyên chất:
Đây là một phương pháp khá mới, và mang tính chất tạm thời trong thời gian không dài. Các bác sĩ sẽ đưa ống thông vào đường động mạch đến động mạch vành, nơi cung cấp máu nuôi cơ tim bị phì đại, tìm nhánh động mạch thích hợp và bơm vào đó 3 - 4ml cồn nguyên chất 100 độ. Nhánh động mạch bị đốt sẽ bị tắc. Sau 8 đến 12 tuần, phần cơ tim phì đại sẽ thu nhỏ lại. Phương pháp này có hiệu lực chỉ trong khoảng 5 năm và hiệu quả chỉ đạt trên 70 - 80% tổng số bệnh nhân.
Ngoài ra, ở những bệnh nhân có nguy cơ đột tử cao do loạn nhịp tim, bác sĩ sẽ đề nghị gắn một thiết bị gọi là máy khử rung tim vào phần trước ngực, dưới da của bệnh nhân. Thiết bị này sẽ ghi nhận những cơn loạn nhịp tim và dập tắt bằng những cú sốc điện. Tuy nhiên bệnh nhân có thể bị sốc khi máy nhận biết sai cơn loạn nhịp tim khi vận động mạnh. Do đó các bệnh nhân là vận động viên hoặc người làm việc vận động nên báo cho bác sĩ về lịch sinh hoạt để bác sĩ có thể lập trình thiết bị cho đúng.
Cơ tim phì đại là bệnh do gen di truyền và rất khó phát hiện ở những người trẻ tuổi, các vận động viên. Do đó, mọi người nên có sự quan tâm đến sức khỏe của chính mình, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, không nên làm việc hoặc vận động quá sức.
Xem thêm:
- 10 lời khuyên không thể bỏ qua cho người mắc bệnh tim
- Ngồi nhiều có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch