Bệnh basedow là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, cách điều trị
Trong số các bệnh liên quan đến tuyến giáp, Basedow là bệnh thường gặp và điều trị phức tạp nhất. Nếu không được phát hiện chữa trị kịp thời, bệnh có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng: cơn bão giáp, suy tim, lồi mắt... thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vậy bệnh basedow là bệnh gì và điều trị như thế nào?
Bệnh basedow là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, cách điều trị
Bệnh basedow là bệnh gì?
Bệnh Basedow (hay còn có một số tên gọi khác là bệnh Graves, bệnh Parry, bướu giáp độc lan tỏa hay bệnh cường giáp tự miễn) là bệnh lý rối loạn hệ thống miễn dịch, dẫn đến việc cơ thể sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp (gây ra cường giáp). Mặc dù một số rối loạn khác cũng có thể dẫn đến cường giáp, nhưng bệnh Basedow là nguyên nhân phổ biến nhất.
Các hormone do tuyến giáp tiết ra có khả năng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, do đó những dấu hiệu của bệnh basedow thường rất rộng và ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Nói chung, về mặt bệnh học, basedow có thể gặp ở bất kỳ ai, nhưng phổ biến ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, với độ tuổi phát hiện bệnh thường là trước 40 tuổi.
Mục tiêu điều trị bệnh basedow là ức chế sự sản xuất hormon quá mức của tuyến giáp và làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Nguyên nhân của bệnh basedow
Bệnh Graves gây ra bởi một số rối loạn trong hệ thống miễn dịch, vốn là nơi có chức năng chống lại bệnh tật cho cơ thể. Tuy nhiên, lý do chính xác vì sao mắc bệnh basedow thì các nhà khoa học vẫn chưa có lời giải đáp.
Trong những năm gần đây, người ta tạm chấp nhận rằng sự xuất hiện của basedow bệnh học phụ thuộc vào hai hoặc ba nhóm yếu tố, bao gồm: di truyền và môi trường hoặc di truyền, môi trường và yếu tố nội sinh.
Cơ chế bệnh sinh basedow
Trong trạng thái bình thường, hệ thống miễn dịch hoạt động bằng cách sản xuất ra các kháng thể nhắm mục tiêu đến các loại virus, vi khuẩn hoặc những chất lạ khác xâm nhập vào trong cơ thể, từ đó vô hiệu hóa chúng để bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân bị basedow, vì lý do nào đó mà hệ miễn dịch lại tạo ra một loại kháng thể có tác dụng kích thích hoạt động của tuyến giáp.
Cụ thể, loại kháng thể này hoạt động tương tự như hormon của tuyến yên (gọi là TSH, có chức năng điều hòa hoạt động của tuyến giáp). Chúng giả dạng TSH, nhắm mục tiêu đến các tế bào tuyến giáp, từ đó đánh lừa cơ quan này, kích thích hoạt động của các tế bào tuyến giáp. Hậu quả gây ra sự sản xuất quá mức hormone tuyến giáp (cường giáp).
Nguyên nhân gây ra biểu hiện lồi mắt ở bệnh nhân basedow
Tình trạng lồi mắt là kết quả của sự tích tụ một số carbohydrate bên trong cơ và các mô phía sau mắt, nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được biết đến. Tuy nhiên, dường như có sự liên quan giữa loại kháng thể gây rối loạn chức năng tuyến giáp và các mô xung quanh mắt. Rất nhiều bệnh nhân basedow bị lồi mắt, vì vậy rất có thể nguyên nhân bắt nguồn từ căn bệnh này.
Tình trạng lồi mắt thường xuất hiện cùng lúc với cường giáp hoặc vài tháng sau đó. Tuy nhiên, những dấu hiệu liên quan tới mắt có thể đã xuất hiện từ nhiều năm trước đó. Biểu hiện mắt lồi ở bệnh nhân bị bệnh Graves cũng có thể xảy ra ngay cả khi không có triệu chứng cường giáp.
Những triệu chứng của bệnh Basedow
Bệnh nhân có thể nhận biết những triệu chứng của bệnh Graves thông qua các biểu hiện sau đây, bao gồm:
- Tâm trạng lo lắng và cáu gắt
- Dấu hiệu run ở bàn tay hoặc ngón tay
- Nhạy cảm với nhiệt, tăng tiết mồ hôi, da trở nên ấm và ẩm hơn
- Giảm cân bất thường, mặc dù thói quen ăn uống vẫn hoàn toàn bình thường
- Biểu hiện của cường giáp: Tuyến giáp phình to hơn bình thường
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
- Rối loạn cương dương hoặc giảm ham muốn
- Đi cầu thường xuyên
- Mắt lồi (triệu chứng ở mắt của Basedow)
- Mệt mỏi
- Da trở nên dày và đỏ, thường gặp ở cẳng chân hoặc đỉnh bàn chân (biến chứng trên da)
- Hồi hộp, đánh trống ngực (biểu hiện của nhịp tim nhanh, hoặc loạn nhịp tim)
Tóm lại, basedow bệnh học bao gồm các triệu chứng được chia làm ba nhóm chính: bướu giáp, hội chứng cường giáp và biểu hiện ở mắt.
Bệnh nhân nên được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu phát hiện các dấu hiệu liên quan đến tim, chẳng hạn như rối loạn nhịp tim, hoặc mất thị lực.
Những biến chứng của bệnh basedow
Các biến chứng có thể gặp của bệnh basedow, bao gồm:
- Trong thời kỳ mang thai: Bao gồm sảy thai, sinh non, rối loạn chức năng tuyến giáp của thai nhi, em bé chậm phát triển, mẹ bầu bị suy tim và tiền sản giật.
- Rối loạn nhịp tim: Nếu không được điều trị, bệnh Graves có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, làm thay đổi cấu trúc và chức năng của cơ tim, khiến cho tim không đủ khả năng bơm máu đến khắp cơ thể, gây ra suy tim sung huyết.
- Cơn bão giáp: Là một biến chứng hiếm gặp, nhưng đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân, còn được gọi là cường giáp trạng cấp tính hoặc cơn nhiễm độc giáp cấp. Cơn bão giáp có nhiều khả năng xảy ra khi tình trạng cường giáp nặng không được điều trị hoặc điều trị không hoàn toàn.
- Xương giòn: Bệnh cường giáp không được điều trị có thể khiến cho xương suy yếu, dễ gãy (tương tự chứng loãng xương). Nguyên nhân là vì khi có quá nhiều hormone tuyến giáp, khả năng kết hợp canxi vào xương của cơ thể bị cản trở. Mà trong khi đó, canxi chính là một yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh của hệ xương.
Cách điều trị bệnh basedow
Mục tiêu điều trị bệnh Graves là ức chế sản xuất hormone tuyến giáp quá mức và ngăn chặn sự tác động của chúng đối với cơ thể. Một số phương pháp điều trị basedow bao gồm:
Liệu pháp i-ốt đồng vị phóng xạ
Với liệu pháp này, bạn sẽ được cho uống dung dịch chất phóng xạ i-ốt (hay đồng vị phóng xạ i-ốt).I-ốt là nguyên liệu mà tuyến giáp dùng để sản xuất hormone. Khi chất phóng xạ i-ốt đi vào tế bào tuyến giáp, tính phóng xạ sẽ phát hiện và phá hủy các tế bào tuyến giáp hoạt động quá mức. Kết quả làm cho tuyến giáp của bạn co lại, giải quyết dần các triệu chứng của bệnh basedow trong vài tuần đến vài tháng.Tuy nhiên, với cơ chế làm suy giảm hoạt động của tuyến giáp, bệnh nhân có thể phải cần điều trị tiếp tục, để nhằm cung cấp trở lại một lượng hormone tuyến giáp để sinh lý cơ thể quay về mức bình thường.
Thuốc kháng giáp tổng hợp
Khác với việc sử dụng đồng vị phóng xạ i-ốt, thuốc kháng giáp hoạt động với cơ chế can thiệp vào việc sử dụng nguyên liệu i-ốt của tuyến giáp để sản xuất ra hormone.Thuốc kháng giáp có thể được sử dụng trước hoặc sau khi điều trị basedow bằng liệu pháp i-ốt đồng vị phóng xạ, với vai trò như một phương pháp điều trị bổ sung.
Thuốc chẹn Beta
Các thuốc thuộc nhóm này không can thiệp vào quá trình sản xuất hormone của tuyến giáp, nhưng thay vào đó, chúng ngăn chặn sự ảnh hưởng của những hormon này đối với cơ thể.Cụ thể, thuốc chẹn Beta có tác dụng làm giảm nhịp tim, hạn chế run, giảm cảm giác lo lắng hoặc khó chịu, giải quyết các tình trạng như: nhạy cảm với nhiệt, đổ mồ hôi, tiêu chảy và yếu cơ.
Phẫu thuật chữa trị bệnh basedow
Phẫu thuật nhằm mục đích loại bỏ tất cả hoặc một phần của tuyến giáp. Đây là một lựa chọn khá chắc chắn để điều trị bệnh Graves. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, bạn có thể phải cần điều trị bổ sung để cung cấp lại cho cơ thể một lượng hormone tuyến giáp.
Điều trị triệu chứng ở mắt do bệnh basedow
Đối với các triệu chứng nhẹ trong rối loạn nhãn khoa liên quan đến Graves thì có thể kiểm soát bằng cách sử dụng nước mắt nhân tạo không cần kê đơn (vào ban ngày) và bôi trơn gel (vào ban đêm). Trong trường hợp phải giải quyết các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng:
- Nhóm thuốc Corticosteroid (chẳng hạn như prednison): Làm giảm sưng sau nhãn cầu.
- Sự hỗ trợ của lăng kính: Đôi khi bệnh nhân bị nhìn đôi do ảnh hưởng từ bệnh basedow hoặc do tác dụng phụ của phẫu thuật. Bằng cách sử dụng một thiết bị gọi là “lăng kính”, người bệnh có thể giải quyết tình trạng này.
- Phẫu thuật giảm sức ép lên ổ mắt: Nhằm cung cấp cho đôi mắt một khoảng trống vừa đủ để chúng có thể di chuyển trở lại vị trí ban đầu.
Phương pháp này thường được sử dụng khi áp lực lên dây thần kinh thị giác là quá lớn, nguy cơ gây mất thị lực.
- Xạ trị tại ổ mắt: Từng là phương pháp điều trị basedow phổ biến áp dụng cho các triệu chứng nhãn khoa liên quan. Tuy nhiên, lợi ích của cách chữa trị này không mấy rõ ràng. Xạ trị tại ổ mắt sử dụng tia X để phá hủy một phần mô ở phía sau mắt bạn. Bác sĩ có thể cân nhắc thực hiện phương pháp này nếu như các vấn đề liên quan đến mắt ngày càng nghiêm trọng hơn, đồng thời việc dùng corticosteroid không mang lại hiệu quả hoặc thuốc dung nạp kém.
Một số trường hợp sau khi điều trị bệnh Graves thì các triệu chứng ở mắt lại càng nặng hơn, đặc biệt là trong 3 - 6 tháng sau đó. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường sẽ ổn định hơn trong vòng một năm, hay đa số là tự khỏi.
Bệnh basedow có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm. Do đó, khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo bệnh basedow, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Xem thêm:
- Bệnh Basedow cần kiêng những gì?
- Bệnh Basedow có lây không?
- Bệnh basedow ở nam giới là bệnh gì?