Bé bị chàm sữa ở mặt, mẹ nên làm gì?
Bệnh chàm sữa ở mặt hay còn có tên gọi khác là lác sữa, là một bệnh lý rất hay gặp phải ở trẻ sơ sinh. Bệnh rất khó điều trị và dễ tái phát. Bệnh chàm sữa không gây nguy hiểm cho trẻ nhưng khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu làm các mẹ rất lo lắng.
Bé bị chàm sữa ở mặt, mẹ nên làm gì?
Bệnh chàm sữa ở mặt hay còn có tên gọi khác là lác sữa, là một bệnh lý rất hay gặp phải ở trẻ sơ sinh. Bệnh rất khó điều trị và dễ tái phát. Bệnh chàm sữa không gây nguy hiểm cho trẻ nhưng khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu làm các mẹ rất lo lắng.
1. Chàm sữa là gì?
Chàm sữa có nhiều tên gọi như lác sữa, chàm thể tạng, viêm da cơ địa, viêm da thể tạng. Theo thống kê, có khoảng 20% trẻ sinh ra đã bị chàm sữa. Chàm sữa là một dạng bệnh lý do rối loạn miễn dịch ở trẻ và không lây nhiễm.
Bệnh chàm sữa được phân ra thành 3 dạng chính sau:
- Chàm sữa cấp tính: biểu hiện ban đầu của bé là xuất hiện các nốt hồng ban trên da, kèm theo các bóng nước, đôi khi là mụn nước có rỉ dịch gần giống như bị ban xuất huyết, cùng với các dấu hiệu này là các cơn ngứa ngáy dữ dội khiến bé khó chịu và quấy khóc.
- Chàm sữa mãn tính: lúc này trên da trẻ sẽ xuất hiện những mảng da dày, khô rát, trẻ rất đau. Ngoài ra còn có sự thay đổi đột ngột sắc tố da sau khi bị viêm nhiễm, cùng với đó là các đường rãnh chạy ngang dọc trên da mặt trẻ.
- Chàm sữa bán cấp: đây là dạng chàm sữa trung gian giữa hai dạng cấp và mạn tính.
Bệnh chàm sữa thường xuất hiện đầu tiên và hay gặp nhất ở vùng mặt, trán, má, cổ và thậm chí có thể lan ra khắp vị trí trên cơ thể bé. Bệnh xuất hiện nhiều ở độ tuổi từ 2 tháng đến 2 tuổi. Độ tuổi từ 2 tuổi đến 4 tuổi, chàm sữa sẽ biến mất. Nếu tình trạng này kéo dài sau 4 tuổi mà không chấm dứt thì khi này bệnh được gọi là chàm thể tạng.
Theo như thống kê tại bệnh viện Nhi Đồng 1, tại đây mỗi năm tiếp đón 2000-3000 lượt khám chàm sữa tại bệnh viện và con số này vẫn không có dấu hiệu giảm, ngày một tăng lên.
2. Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ bị chàm sữa
Như đã nêu ở trên, bệnh chàm sữa là bệnh rất hay gặp, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Vậy dấu hiệu nào cho biết trẻ đã bị mắc chàm sữa, hãy cùng tìm hiểu những dấu hiệu điển hình dưới đây:
- Nổi hồng ban: đây là dấu hiệu xuất hiện đầu tiên khi trẻ bị chàm sữa. Các vết chấm màu đỏ nổi trên da nhiều ở các vị trí như má, cằm, quanh cổ, trán. Các mẹ cần lưu ý vì hiện tượng này dễ gây nhầm lẫn với rôm, dị ứng.
- Ngứa da: sau khi trẻ nổi hồng ban, trẻ sẽ cảm thấy ngứa da. Chính điều này khiến bé dùng tay gãi, gây xước xát, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển làm cho tình trạng da xấu đi.
- Khô da: lúc này trên da bé sẽ xuất hiện những mụn ti ti, khô. Khi chúng ta chạm tay vào các mụn này có cảm giác khô rát và sần sùi.
- Nổi mụn nước: trên các nốt hồng ban sẽ xuất hiện các mụn nước. Các mụn nước này khiến trẻ ngứa và khi trẻ gãi, dịch trong mụn sẽ bị tiết ra ngoài có thể gây nhiễm trùng. Trong trường hợp nhiễm trùng nặng có thể gây bội nhiễm khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn, đồng thời có khả năng để lại sẹo, do ở độ tuổi này da còn rất mỏng.
- Rỉ dịch: kèm theo các mụn nước là tình trạng rỉ dịch, chảy mủ. Lúc này trẻ vẫn rất ngứa. Đôi khi còn có hiện tượng chảy máu khiến trẻ đau đớn và quấy khóc.
- Đóng mài, tróc vảy: sau quá trình hình thành mụn nước, vỡ mụn nước, chảy dịch. Phần dịch sau khi khô lại sẽ để lại một lớp vảy trên da bé. Sau khi lớp vảy này bong ra, sẽ gây nên hiện tượng dày da. Càng gãi da nhiều, da sẽ càng dầy.
- Triệu chứng khác: khi bị bệnh chàm sữa, trẻ cảm thấy rất khó chịu do trên da có cảm giác ngứa, căng và khô. Điều này khiến bé quấy khóc, ngủ không ngon giấc, bú kém. Trẻ có thể xuất hiện các biểu hiện bệnh lý của bệnh hen suyễn và viêm mũi.
3. Nguyên nhân gây chàm sữa ở trẻ
Cho tới thời điểm hiện tại thì y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính gây ra bệnh chàm sữa ở trẻ nhỏ, nhưng theo các hiểu biết hiện tại, thì bệnh lý này xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau:
- Chàm sữa do di truyền: trẻ sinh ra trong gia đình mà bố mẹ hoặc ông bà có tiền sử bị hen suyễn, bệnh viêm da dị ứng thì thường có tỉ lệ bị chàm sữa cao hơn các trẻ khác.
- Da thiếu độ ẩm: khi da bị khô, thiếu độ ẩm, trẻ sẽ dễ mắc các bệnh ngoài da hơn, trong đó có bệnh chàm sữa. Bệnh chàm sữa tiến triển do da khô thường gặp vào mùa có khí hậu lạnh, độ ẩm thấp, mùa hanh khô. Ở nước ta, với khí hậu phân bố theo mùa, bố mẹ nên giữ ẩm tốt cho da bé vào các mùa đông và những thời điểm độ ẩm thấp.
- Cơ địa trẻ dị ứng: ở trẻ có làn da mẫn cảm, dễ bị kích ứng thì tỉ lệ bị chàm sữa cũng cao hơn.
- Tiếp xúc với các tác nhân dễ gây dị ứng: những trẻ hay tiếp xúc với các tác nhân bên ngoài như nấm mốc, phấn hoa, lông chó mèo, bụi bẩn... có thể gây tổn thương từ từ trên da bé, khiến bé dễ mắc các bệnh như bệnh chàm sữa hơn bình thường.
- Rối loạn đường tiêu hóa: ở các trẻ có dị ứng với thức ăn ( sữa bò, hải sản...) thì việc đảm bảo chế độ ăn cho bé cũng là điều hết sức quan trọng. .
- Trang phục: mặc quần áo bó, chất liệu thô cứng cũng khiến da có khả năng bị tổn thương. Một số trẻ với làn da nhạy cảm sẽ bị dị ứng với thành phần của các chất làm trắng hay làm mềm vải. Việc quan tâm đến độ nhạy cảm của da bé sẽ tránh được nhiều trường hợp dị ứng, cũng như các bệnh ngoài da như chàm sữa.
4. Khi bé bị chàm sữa, mẹ nên xử trí như thế nào?
Bệnh chàm sữa như đã nói, rất khó điều trị và lại dễ tái phát. Do đó trong giai đoạn này, trẻ cần được chăm sóc và điều trị một cách cẩn thận và khoa học. Mục đích của quá trình điều trị này là bình thường hóa làn da cho trẻ, hạn chế sự tái phát, chứ rất khó để điều trị dứt điểm. mẹ có thể tham khảo các cách xử lý sau đây:
- Đầu tiên, hãy giữ cho trẻ một cơ thể sạch sẽ cũng như một môi trường sống lành mạnh. Đây là một điều đơn giản nhưng mang một ý nghĩa rất lớn trong việc phòng bệnh chàm sữa cho trẻ. Tránh để cơ thể bé đổ mồ hôi ẩm ướt, vì đây là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân xấu phát triển trên da trẻ. Sau khi tắm hãy lau khô người và mặc quần áo mới cho trẻ, thay tã lót nhiều lần trong ngày. Tránh tình trạng để phân hay nước tiểu trên da bé lâu, có thể gây kích ứng da.
- Với môi trường xung quanh bé, tránh việc thay đổi nhiệt độ nhanh và đột ngột, giữa các trạng thái nhiệt độ nên có sự dịch chuyển từ từ. điều này không chỉ tốt cho làn da của bé, mà còn tốt cho sức khỏe của bé, đề phòng được cả các bệnh về đường hô hấp.
- Khi trẻ bị chàm sữa, mà các nốt chưa chảy dịch mủ, da có dấu hiệu căng cức, hãy sử dụng kem dưỡng ẩm cho trẻ. Trong giai đoạn cấp, nên bôi nhiều lần trong ngày giúp giảm triệu chứng căng và khô da. Các mẹ có thể tìm hiểu các sản phẩm có thành phần chống viêm xuất phát từ thiên nhiên, tránh các sản phẩm có màu và có mùi để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ. Nếu phân vân về việc lựa chọn loại kem dưỡng cho trẻ, mẹ hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa để nhận thêm tư vấn. thời điểm dùng kem dưỡng ẩm tốt nhất cho bé là lúc bé vừa tắm xong, lúc này độ ẩm trên da đang giảm, cần bổ sung một lượng ẩm ngay lập tức. Mẹ tuyệt đối không dùng các kem có thành phần có corticoid cho trẻ nếu không có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Khi chàm sữa đã có các dấu hiệu nặng: chảy dịch mủ, trẻ ngứa dữ dội, vùng da bị rộng hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám.
- Vệ sinh và tắm rửa cho bé:
Vệ sinh và tắm rửa cho bé hằng ngày, không để lâu vì có thể dẫn đến tình trạng hăm da ở các vùng được đóng bỉm, các vùng dễ tích tụ mồ hôi như khủy tay, khủy chân, khiến bệnh chàm sữa nặng hơn.
Dùng nước ấm để tắm cho trẻ. Tránh các dung dịch tắm có độ tẩy rửa cao, sẽ gây khô da làm cho tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Khi tắm cho bé, mẹ nên thực hiện nhẹ nhàng, tránh chà mạnh, nhất là các vùng da đang bị bệnh chàm sữa.
Sau khi tắm xong lau khô người cho bé và bôi kem dưỡng ẩm.
Cắt móng tay, móng chân cho bé. Bởi giai đoạn bị chàm sữa, trẻ rất ngứa sẽ đưa tay lên gãi, móng tay chân dài và không sạch sẽ rất dễ nhiễm khuẩn cho bé.
- Lựa chọn quần áo cho bé:
Mẹ nên chọn cho bé những loại quần áo thoải mái, tránh gây xước vào da trẻ. Quần áo có chất liệu mềm mại và có độ thấm hút mồ hôi tốt.
Quần áo của bé phải được giữ sạch sẽ, phơi ở nơi thoáng mát, tránh các nguồn tác nhân có khả năng gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật hay bụi bặm. Sử dụng nước xả vải phù hợp và dịu nhẹ, nhất là các bé có làn da nhạy cảm.
- Không gian xung quanh bé:
Giữ môi trường chơi, môi trường ăn uống, chăn gối sạch sẽ. Mẹ nên lau dọn thường xuyên, tránh để vi khuẩn trong môi trường làm cho bệnh chàm sữa của bé nặng lên.
Phòng ngủ là nơi rất quan trọng, hãy giữ cho phòng ngủ của bé thông thoáng, chăn ga nên giặt thường xuyên. Hãy quan tâm đến gối nằm của bé vì trẻ hay bị chàm sữa ở mặt, gối lại là nơi tiếp xúc trực tiếp với da trẻ qua cả một đêm dài. Gối và chăn sạch sẽ cũng sẽ làm cho tình trạng chàm sữa của trẻ cải thiện lên đáng kể.
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với động vật như chó, mèo, các loại phấn hoa hay bụi bẩn. Vi khuẩn trên lông động vật nuôi trong nhà có thể khiến tình trạng của trẻ nặng hơn
- Thực phẩm cho bé trong giai đoạn bé bị chàm sữa:
Chàm sữa xuất hiện ở độ tuổi rất sớm, có khi là trẻ sơ sinh. Mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu, không nên cai sữa sớm. Bởi vì sữa mẹ mang một lượng dinh dưỡng đầy đủ, hơn nữa còn cung cấp cho trẻ một hệ miễn dịch tuyệt vời, giúp trẻ chống lại các bệnh trong đó có bệnh chàm sữa.
Tăng cường các dưỡng chất cho trẻ, đồ ăn tươi mới, đủ chất, để trẻ có sức khỏe cũng như sức đề kháng tốt.
Quy trình nấu nướng cho bé cũng cần giữ vệ sinh, ăn chín uống sôi, đồ ăn rõ nguồn gốc.
- Hạn chế các thực phẩm bé đã có dấu hiệu dị ứng hoặc có khả năng gây dị ứng cho trẻ như sữa bò, hải sản...
- Thăm khám sức khỏe định kỳ cho trẻ.
Chàm sữa không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của bé. Khi có dấu hiệu bị chàm sữa, phương án tốt nhất là mẹ hãy đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, không nên tự ý mua và bôi thuốc cho trẻ. Hãy cho bé đi kiểm tra định kỳ, đừng đợi khi trẻ có bệnh mới cho trẻ đi khám. Việc thăm khám định kỳ cũng giúp đánh giá kết quả điều trị bệnh, xem bệnh có tái phát hay không, từ đó còn đưa ra các phương án kịp thời.
Gợi ý nhỏ cho mẹ và bé khi muốn đi thăm khám: bạn có thể cho con đến Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec- một bệnh viện uy tín và chuyên nghiệp đã được rất nhiều bà mẹ tin tưởng.Tại đây,bé sẽ được thăm khám một cách cẩn thận và chuyên nghiệp cùng với đó bạn sẽ nhận được các lời khuyên của các bác sĩ về cách sử dụng thuốc cũng như chăm sóc trẻ.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh chàm sữa ở trẻ nhỏ. Với những thông tin vừa rồi hi vọng mẹ đã có thêm nhiều kiến thức để chăm sóc cũng như phòng ngừa và điều trị bệnh chàm sữa cho bé. Từ đó, giúp bé phát triển một cách an toàn và toàn diện hơn.
Xem thêm:
- Những điều cha mẹ cần biết về bệnh chàm sữa ở trẻ
- Chàm sữa- viêm da cơ địa bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ
- Bệnh chàm sữa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách khắc phục