Bào thai suy dinh dưỡng ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của bé?
Trong giai đoạn thai kỳ, vì một nguyên nhân nào đó mà thai nhi trong bụng mẹ chậm phát triển dẫn đến bào thai suy dinh dưỡng. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của em bé và bà mẹ. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và ảnh hưởng của tình trạng bào thai suy dinh dưỡng qua bài viết sau đây.
Bào thai suy dinh dưỡng ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của bé?
Bào thai suy dinh dưỡng là gì?
Bào thai suy dinh dưỡng là thể suy dinh dưỡng sớm nhất mà trẻ có thể mắc phải. Bào thai suy dinh dưỡng thường ảnh hưởng lớn đến các cơ quan như xương, da, não... và nhận thấy dễ nhất là bé nhẹ cân khi sinh ra. Nếu một em bé sinh đủ tháng mà cân nặng dưới 2.5 kg thì được xem là bị suy dinh dưỡng bào thai.
Nhận biết bào thai suy dinh dưỡng
Ngày nay, trình độ y học tiên tiến và phát triển, cha mẹ có thể nhận biết bào thai suy dinh dưỡng sớm qua các kỳ khám thai dựa vào các chỉ số như chiều cao tử cung, vòng bụng của mẹ...
Bên cạnh đó, mức độ tăng cân của thai phụ cũng giúp nhận biết bào thai có bị suy dinh dưỡng hay không.
- Trung bình trong một thai kỳ, thai phụ cần tăng từ 10-12 kg cân nặng, những thai phụ chỉ tăng 6 kg thì nguy cơ bào thai suy dinh dưỡng là rất cao.
- Cân nặng tối thiểu nên tăng trong thai kỳ là: 3 tháng đầu tăng 1 kg, 3 tháng thứ giữa tăng 5kg, 3 tháng cuối mỗi tháng nên tăng 2 kg. Số cân nặng tăng lên sẽ chia cho bào thai, nhau thai, nước ối và máu khoảng 7.5kg, 5kg còn lại được chuyển vào mô mỡ dự trữ của người mẹ để chuẩn bị tiết sữa nuôi con.
Bào thai suy dinh dưỡng là do đâu?
Độ tuổi khi mang thai của người mẹ
Phụ nữ sau 30 đã bắt đầu quá trình bị lão hóa. Độ tuổi mang thai càng lớn thì khả năng bào thai suy dinh dưỡng càng cao vì thai nhi không được cung cấp đủ những chất cần thiết. Những em bé sinh ra từ bà mẹ lớn tuổi còn dễ mắc hội chứng Down, chậm phát triển trí tuệ, dị tật bẩm sinh... Nhằm hạn chế nguy cơ trên, khuyến nghị độ tuổi thích hợp để kết hôn và sinh con ở phụ nữ là từ 25 - 30 tuổi.
Sức khỏe của người mẹ ảnh hưởng đến bào thai
Khi mang thai, sức khỏe của người mẹ không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của em bé. Các bệnh tật đã có hoặc mắc phải trong thời gian mang thai dễ khiến cơ thể mẹ kiệt quệ, gây ra tình trạng bào thai suy dinh dưỡng. Tốt nhất, các chị em phụ nữ nên điều trị khỏi hẳn bệnh tập và chuẩn bị một cơ thể khỏe mạnh thì mới nên có ý định mang thai.
Chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ
Chế độ dinh dưỡng khi mang thai rất quan trọng. Việc cung cấp cho mẹ và bé đầy đủ các dưỡng chất như bột đường, đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất là vô cùng cần thiết. Những dưỡng chất này sẽ nuôi dưỡng thai nhi lớn lên, xây dựng và phát triển các cơ quan như não, tim gan, hệ tiêu hóa và hô hấp... Người mẹ có chế độ dinh dưỡng kém không những khiến bào thai suy dinh dưỡng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ.
Môi trường làm việc của thai phụ
Công việc nặng nhọc, áp lực hoặc môi trường làm việc ô nhiễm của mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của bào thai. Thai phụ cần chú ý hạn chế lao động quá sức và nghỉ ngơi hợp lý.
Ảnh hưởng của bào thai suy dinh dưỡng
Em bé sinh ra từ một bào thai suy dinh dưỡng thường thấp còi, chậm phát triển chiều cao, và cân nặng, ngoài ra còn ảnh hưởng đến não, gan, thận, hệ hô hấp của bé. Não bộ thai nhi thường phát triển rất mạnh trong ba tháng cuối của thai kỳ và 3 năm đầu tiên sau khi sinh ra. Suy dinh dưỡng trong các giai đoạn này gây hậu quả khá nghiêm trọng cho trẻ, làm não chậm phát triển, trẻ không được thông minh, nhanh nhẹn như các bạn đồng lứa.
Các nguy cơ sức khỏe của trẻ sinh ra từ bào thai suy dinh dưỡng
Dễ nhiễm khuẩn
Do sự thiếu hụt các vitamin khi còn là bào thai trong bụng mẹ, trong đó có vitamin A và C - những vitamin quan trọng với hệ thống miễn. Khi sinh ra, cơ thể trẻ thiếu những chất này khiến trẻ dễ bị nhiễm bệnh trước sự tấn công của virus, vi khuẩn... Trẻ thường xuyên bị các bệnh như: tiêu chảy, khô mắt, sởi, viêm đường hô hấp...
Dễ hạ thân nhiệt
Bào thai suy dinh dưỡng sẽ sinh ra một em bé nhẹ cân, suy dinh dưỡng. Đứa trẻ này thường rất nhạy cảm với nhiệt độ do không có lớp mỡ nâu hoặc lượng đường dự trữ trong cơ thể không đủ để sinh ra năng lượng và điều hòa thân nhiệt. Trẻ không được ủ ấm kịp có thể dẫn đến hạ thân nhiệt gây hậu quả nghiêm trọng. Người mẹ nên chú ý chăm sóc, giữ ấm cho con bằng áo ấm, găng tay, tất chân và luôn để nhiệt độ phòng ấm áp.
Hạ đường huyết
Các dấu hiệu hạ đường huyết ở trẻ: rên nhẹ, khóc thét, trẻ run rẩy, co giật, tím tái thậm chí ngưng thở, người mẹ cần phải cho trẻ bú sữa càng sớm càng tốt.
Cân nặng, chiều cao phát triển chậm
Trẻ bị suy dinh dưỡng từ lúc còn là bào thai luôn luôn ốm yếu, gầy còm, chiều cao phát triển chậm so với các trẻ bình thường. Mẹ nên chăm sóc tốt về mặt dinh dưỡng, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu đời, sau khi trẻ đã ăn dặm vẫn nên tiếp tục cho bú đến khi trẻ được 2 tuổi. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về vấn đề chiều cao, cân nặng của trẻ nếu thấy trẻ chậm phát triển bất thường.
Có thể có di chứng về thần kinh
Nếu tình trạng suy dinh dưỡng nhẹ, trẻ sinh ra nhẹ cân nhưng vòng đầu vẫn nằm trong giới hạn bình thường thì cha mẹ có thể an tâm chăm sóc trẻ thật tốt, trẻ sẽ sớm phát triển bắt kịp các bạn. Tuy nhiên trường hợp suy dinh dưỡng ở mức nặng, em bé sinh ra quá nhẹ cân, dù có khả năng sống sót, trẻ vẫn có thể xuất hiện các dấu hiệu chậm phát triển về thần kinh. Các bậc phụ huynh cần phối hợp với bác sĩ để kiểm tra nhằm đưa ra cách hỗ trợ tốt nhất cho trẻ.
Cách phòng tránh bào thai suy dinh dưỡng
- Từ khi biết mình mang thai, thai phụ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho cả bản thân và em bé trong bụng, cần ăn đủ no, đủ chất với các thực phẩm bổ dưỡng như các loại đậu, trứng, tôm, cá, rau, hoa quả tươi...
- Bổ sung thêm sắt từ khi có thai kéo dài đến sau khi sinh con để chống thiếu máu.
- Xây dựng chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế lo âu phiền muộn làm ảnh hưởng đến bào thai.
- Tuyệt đối không uống rượu, hút thuốc lá, thuốc lào khi có thai, kể cả hút thuốc lá thụ động cũng nên hết sức chú ý.
- Thực hiện kế hoạch hóa gia đình nếu điều kiện kinh tế còn khó khăn, còn quá ít tuổi dưới 18 hoặc tuổi trên 35.
- Thai phụ nên đi khám thai định kỳ 1 tháng 1 lần để phát hiện có hay không các bất thường về thai nhi, có cơ sở để chăm sóc trẻ ngay khi còn trong bụng mẹ.
Xem thêm:
- Phát hiện sớm bất thường và dị tật bào thai bằng cách nào?
- Mách mẹ cách chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai
- Dấu hiệu nhiễm độc thai nghén giai đoạn đầu và cuối thai kì