Bao lâu thì nên lấy cao răng một lần?

Cao răng vốn được tạo thành do sự vôi hóa những mảng bám trên răng. Những mảng bám này đem đến nhiều nguy cơ cho răng miệng do đó cần phải lấy cao răng định kỳ. Nên lấy cao răng khi nào, cách bao lâu thì nên đi lấy một lần... là những thắc mắc thường thấy. HoiBenh sẽ giúp bạn tìm câu trả lời với bài viết dưới đây.

Bao lâu thì nên lấy cao răng một lần? Bao lâu thì nên lấy cao răng một lần?

Cao răng được hình thành thế nào?

Vôi răng (hay cao răng) là những mảng bám bị vôi hoá trên bề mặt răng và giữa răng với nướu. Vôi răng được tạo thành do sự vôi hoá các mảng bám răng cùng với nước bọt, vi khuẩn và các khoáng chất hấp thu khi ăn uống, tích tụ lâu ngày tạo thành.

Cao răng được chia thành hai loại: Cao răng thường và cao răng huyết thanh. Trong đó cao răng thường được hình thành như mô tả ở trên. Còn cao răng huyết thanh được tạo thành là do cao răng thường gây viêm lợi. Dẫn đến lợi ở vùng viêm sẽ tiết dịch viêm và chảy máu, máu ngấm vào cao răng thường tạo nên màu nâu đỏ, lúc này mảng cao răng ngấm máu đó được gọi là cao răng huyết thanh.

vicare.vn-bao-lau-thi-nen-lay-cao-rang-mot-lan-body-1

Cao răng ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ răng miệng

Cao răng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý về răng miệng:

Khi các mảng bám trên răng ngày một nhiều, độc tố của vi khuẩn trong cao răng sẽ gây ra viêm lợi với các biểu hiện răng chảy máu, miệng có mùi hôi. Hoặc cũng có thể gây viêm nha chu dẫn đến tiêu xương làm răng bị đau, ê buốt khi ăn uống, nặng hơn có thể lung lay và rụng.

Cao răng còn có thể gây ra viêm tủy ngược dòng. Vi khuẩn trong mảng cao răng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ở niêm mạc miệng: Viêm niêm mạc miệng, lở miệng, viêm amidan, viêm họng...

Do đó việc lấy và loại bỏ cao răng là rất cần thiết, tuy nhiên, vẫn có nhiều bạn thường có những băn khoăn về việc lấy cao răng ảnh hưởng gì không? Bạn cần biết rằng:

  • Lấy cao răng chỉ là kỹ thuật thực hiện cạo bỏ những mảng bám phía ngoài răng mà không làm ảnh hưởng tới men răng bên trong. Răng của bạn được bảo vệ hoàn toàn.
  • Về bản chất, phương pháp lấy cao răng không có hại mà còn rất tốt và cần thiết cho răng, giúp răng chắc khỏe và phòng tránh được các bệnh lý răng miệng.
  • Theo các chuyên gia răng - hàm - mặt mỗi chúng ta nên thực hiện lấy cao răng định kì 6 tháng một lần để răng luôn được khỏe mạnh.

Lợi ích của việc lấy cao răng định kỳ?

Từ những lý do trên có thể thấy việc lấy cao răng thường xuyên và đúng cách sẽ giúp bạn phòng tránh được hàng loạt bệnh lý răng miệng nguy hiểm.

  • Bảo vệ chân răng: Vi khuẩn trong cao răng gây viêm nướu, phản ứng viêm này gây ra hiện tượng tiêu xương ổ răng, làm cho nướu bị tụt, lộ chân răng và răng dễ bị lung lay. Thường xuyên lấy cao răng sẽ giúp loại bỏ những vi khuẩn gây hại cho răng, giúp bảo vệ chân răng.
  • Chấm dứt tình trạng viêm nướu: Một khi các mảng cao răng được loại bỏ, sẽ không còn chỗ cho vi khuẩn trú ẩn, vì vậy sẽ phòng ngừa được bệnh viêm nướu, viêm nha chu. Hạn chế được tình trạng chảy máu chân răng và giảm bớt hiện tượng hơi thở có mùi.
  • Mang lại nụ cười trắng, đẹp: Khi những mảng bám trong khoang miệng được lấy đi, các vết ố vàng không còn nữa, răng bạn sẽ có vẻ trắng sáng tự nhiên, hơi thở sạch sẽ không có mùi hôi. Lúc đó, bạn có thể tư tin khoe nụ cười sáng và giao tiếp gần gũi với mọi người xung quanh mà không còn phải e ngại điều gì.
vicare.vn-bao-lau-thi-nen-lay-cao-rang-mot-lan-body-2

Những điều không nên làm sau khi lấy cao răng

Sau khi lấy cao răng xong, men răng và nướu thường rất yếu, dễ bị tấn công bởi vi khuẩn cũng như các tác động khác từ bên ngoài. Đó là lý do sau khi lấy cao răng, răng rất dễ bị ố vàng trở lại hay có cảm giác ê buốt... Để tránh gặp phải những trường hợp này, cần chú ý một số điều không nên làm sau khi lấy cao răng như dưới đây:

  • Tránh ăn các loại đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh, làm tổn hại cho men răng.
  • Không nên sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống có chất tạo màu, nhiều axit như: Café, trà, rượu vang đỏ, nước ngọt, nước tương, socola...
  • Tuyệt đối không hút thuốc lá vì răng lúc này càng dễ ám màu thuốc lá hơn bình thường, và rất dễ ố vàng.
  • Hạn chế ăn các loại đồ ăn quá mềm và dính vì chúng dễ bám vào răng, khó vệ sinh. Tạo điều kiện cho các vi khuẩn và vụn thức ăn khác bám vào, hình thành nên mảng cao răng mới.
  • Với phụ nữ, tránh để cho son môi hoặc các chất tạo màu khác dính vào răng, nếu không muốn hàm răng của mình bỗng nhiên đổi màu.

Phương pháp phòng ngừa và loại bỏ cao răng

Để phòng ngừa cao răng, cần đánh răng đúng cách thường xuyên với kem đánh răng để hạn chế bớt các mảng bám trên bề mặt, dùng chỉ nha khoa (tốt nhất là chỉ nha khoa trắng không tẩm hương liệu hóa chất) để loại bỏ mảng bám ở giữa các kẽ răng.

Bên cạnh đó cần hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, cà phê, thuốc lá, và đồ uống có đường. Vì những thứ này khiến mảng bám hình thành nhanh hơn, tạo điều kiện để vi khuẩn hoạt động mạnh, gây ra nhiều bệnh về răng miệng.

Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch y tế chuyên dụng sau đi đánh răng để đảm bảo khoang miệng sạch sẽ hoàn toàn.

Luôn nhớ: Lấy cao răng định kì 6 tháng/lần giúp loại bỏ những mảng bám còn sót lại tích tụ lâu ngày cứng lại thành cao răng. Tuy nhiên cũng đừng lấy cao răng liên tục cách nhau một thời gian ngắn vì có thể gây tổn thương men răng... Cũng không nên để quá lâu (lâu hơn 6 tháng) vì có thể gây ra những bệnh răng miệng nguy hiểm như viêm nha chu, sâu răng, hỏng tủy...

Xem thêm:

  • 7 cách đánh bay cao răng tại nhà, rạng rỡ đón Tết với nụ cười xinh
  • Lấy cao răng bằng máy siêu âm không đau, không ê buốt
  • Cao răng dày đến mấy cũng tự bật ra từng mảng, hôi miệng cỡ nào cũng hết chỉ với 1 ngàn đồng