Báo động đỏ liên viện: Cứu sống nhiều trường hợp nguy kịch
TS.BS.Tăng Chí Thượng, PGĐ Sở Y tế TP.HCM cho biết, sắp tới, Sở Y tế sẽ tổ chức diễn tập thực hiện 'Quy trình báo động đỏ' ( quy trình rút ngắn mọi thủ tục để cứu bệnh nhân nhanh nhất)với tình huống cấp cứu người bệnh nguy kịch do đa chấn thương để tiếp tục rà soát, củng cố công tác cấp cứu người bệnh có nguy cơ tử vong cao tại các BV. Sau buổi diễn tập thực hiện quy trình ...
Báo động đỏ liên viện: Cứu sống nhiều trường hợp nguy kịch
TS.BS.Tăng Chí Thượng, PGĐ Sở Y tế TP.HCM cho biết, sắp tới, Sở Y tế sẽ tổ chức diễn tập thực hiện 'Quy trình báo động đỏ' ( quy trình rút ngắn mọi thủ tục để cứu bệnh nhân nhanh nhất)với tình huống cấp cứu người bệnh nguy kịch do đa chấn thương để tiếp tục rà soát, củng cố công tác cấp cứu người bệnh có nguy cơ tử vong cao tại các BV.
Sau buổi diễn tập thực hiện quy trình 'Báo động đỏ liên viện' với tình huống cấp cứu người bệnh nguy kịch trong Sản khoa giữa BV Quận 11 và BV Từ Dũ (ngày 31/8/2016), Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức họp rút kinh nghiệm và lắng nghe những góp ý của các chuyên gia đầu ngành tham gia diễn tập.
Chia sẻ với PV, TS.BS.Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau diễn tập có một số điểm cần lưu ý.
Đối với BV cần hỗ trợ cấp cứu liên viện, khi có tình huống người bệnh nguy kịch, bác sĩ điều trị đề xuất ngay kích hoạt báo động đỏ nội viện và liên viện, bằng cách: lập tức thông báo đến Phòng Kế hoạch tổng hợp (KHTH - trong giờ hành chính) hoặc báo cáo khẩn với người trực lãnh đạo của BV (ngoài giờ hành chính).
Khi nhận được tín hiệu xin kích hoạt báo động đỏ, Phòng KHTH hoặc người trực lãnh đạo của BV, bên cạnh việc triển khai ngay quy trình động đỏ nội viện, và kích hoạt ngay 'Báo động đỏ liên viện' bằng cách liên hệ khẩn cấp với BV tuyến trên cần sự trợ giúp. Nội dung thông báo cho BV tuyến trên phải nêu rõ: Bệnh viện A 'báo động đỏ' cần sự trợ giúp khẩn cấp của bệnh viện B; Người bệnh được chẩn đoán:...., hoặc người bệnh trong tình trạng:....; Tên, tuổi, giới tính của người bệnh. Phân công bác sĩ thông báo kịp thời cho người nhà diễn biến bất thường của sản phụ và việc mời BV chuyên khoa/tuyến trên hỗ trợ cấp cứu; tư vấn về những tình huống có thể xảy ra (can thiệp phẫu thuật, truyền máu) để người nhà bệnh nhân nắm bắt tình hình và chuẩn bị tốt về tâm lý. Cử người tiếp đón để hướng dẫn đội cấp cứu của BV chuyên khoa/tuyến trên đến ngay phòng mổ. Báo cáo nhanh qua điện thoại cho lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y hoặc lãnh đạo Sở Y tế biết để hỗ trợ.
Đối với BV tuyến trên được đề nghị hỗ trợ cấp cứu, khi nhận được tín hiệu 'Báo động đỏ liên viện' từ BV tuyến trước, người có trách nhiệm điều động đội cấp cứu liên viện cần xác định rõ các thông tin: Chẩn đoán và tình trạng của người bệnh; Nhóm máu của người bệnh, số lượng máu mất, số lượng máu sẵn có tại BV cần hỗ trợ; Khả năng thực hiện gây mê - hồi sức của BV cần hỗ trợ; Số điện thoại liên lạc của bác sĩ trực tiếp điều trị tại BV cần hỗ trợ. Các thông tin này phải được chuyển đến bác sĩ trực tiếp đi hỗ trợ cấp cứu liên viện.
Phòng KHTH hoặc người trực lãnh đạo của BV tuyến trên chịu trách nhiệm điều động nhân sự, bao gồm: phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê, bác sĩ hồi sức sơ sinh và các phương tiện cần thiết như: dụng cụ phẫu thuật, máu, thuốc men,... để thực hiện cấp cứu liên viện.
Bác sĩ đi hỗ trợ cấp cứu liên viện khẩn trương kiểm tra vali cấp cứu gồm: Thuốc cấp cứu trong sản khoa: Oxytocin, Ergometrine, Misoprostol, Tranexamic acid, Magnesium Sulfate 15%, Nicardipine 10mg/10ml. Dụng cụ phẫu thuật sản khoa. Dụng cụ hồi sức sơ sinh. Máu (số lượng và loại máu tuỳ thuộc nhu cầu thực tế). Vật tư y tế chuyên khoa có liên quan.
Trong khi di chuyển đến BV cần hỗ trợ, bác sĩ đội cấp cứu liên viện tiếp tục liên lạc với bác sĩ điều trị của BV tuyến trước để trao đổi thêm thông tin về chẩn đoán, biện pháp xử trí, hướng dẫn chuẩn bị và chuyển người bệnh đến ngay phòng mổ để thuận lợi cho công tác cấp cứu tiếp theo.
Khi đến BV, di chuyển trực diện đến phòng mổ. Tại phòng mổ, bác sĩ của đội cấp cứu liên viện cần trao đổi lại với bác sĩ tại chỗ để xác nhận, thống nhất về chẩn đoán và biện pháp can thiệp.
Sau khi cấp cứu người bệnh qua cơn nguy kịch, đội cấp cứu liên viện phải quyết định phương án điều trị tiếp theo đối với người bệnh (để người bệnh tiếp tục điều trị ở tuyến dưới với sự hỗ trợ về chuyên môn của tuyến trên hoặc chuyển người bệnh về BV chuyên khoa điều trị tiếp). Nếu để người bệnh ở tuyến dưới, đội cấp cứu liên viện phải báo cáo lại Phòng KHTH hoặc người trực lãnh đạo của BV mình để có kế hoạch theo dõi, hỗ trợ điều trị tiếp theo.
Khẩn trương vì tính mạng người bệnh
Theo TS. Thượng, mọi diễn biến của quá trình cấp cứu đều phải được ghi chép đầy đủ trong hồ sơ bệnh án và phân công người thông báo kịp thời cho người nhà bệnh nhân. Các BV có phòng sanh tổ chức triển khai đơn vị truyền máu tại BV để đảm bảo cung ứng kịp thời cho người bệnh khi cần.
'Trường hợp không có dự trữ máu, BV cần khởi phát 'Báo động đỏ liên viện' đến BV Truyền máu – Huyết học để được Ngân hàng máu hỗ trợ cung cấp máu, đồng thời cử xe cấp cứu vận chuyển máu ngay khi khởi phát báo động đỏ, không cần chờ trả lời từ BV Truyền máu – Huyết học. Nếu cần thêm hỗ trợ về hồi sức cấp cứu sơ sinh, các bệnh viện có thể khởi phát 'Báo động đỏ liên viện' đến BV Nhi đồng 1 hoặc Nhi đồng 2'- TS. Thượng nói.
Để đảm bảo xử lý nhuần nhuyễn khi xảy ra tình huống thực tế, Sở Y tế cũng yêu cầu tất cả các BV xây dựng quy trình 'Báo động đỏ nội viện' chi tiết, phù hợp với điều kiện của BV và thường xuyên diễn tập thực hiện; đồng thời chủ động đề xuất với BV chuyên khoa/tuyến trên tổ chức diễn tập thực hiện quy trình 'Báo động đỏ liên viện'.
Nhằm đảm bảo việc điều động cấp cứu liên viện được khẩn trương, nhịp nhàng, các BV tham gia quy trình 'Báo động đỏ liên viện' cần tập huấn đầy đủ các nội dung công việc cho cán bộ trực lãnh đạo hoặc người chịu trách nhiệm điều động. Những khó khăn, vướng mắc trong triển khai quy trình 'Báo động đỏ liên viện', lãnh đạo BV chủ động liên lạc với lãnh đạo Sở Y tế phụ trách khám và điều trị bệnh để được hỗ trợ kịp thời.
(Nguồn: songkhoe.vn)