Bạn đã biết nguyên gây viêm phổi trẻ sơ sinh chưa?

Số liệu thống kê của các cơ sở y tế cho thấy cứ 20 giây trên thế giới lại có trẻ em tử vong vì viêm phổi, đặc biệt là viêm phổi trẻ sơ sinh. Do đó, mỗi người làm cha, làm mẹ đều cần trang bị cho mình những kiến thức về viêm phổi trẻ sơ sinh như nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh để bảo vệ bé yêu một cách tốt nhất.

Bạn đã biết nguyên gây viêm phổi trẻ sơ sinh chưa? Bạn đã biết nguyên gây viêm phổi trẻ sơ sinh chưa?

Nguyên nhân gây viêm phổi trẻ sơ sinh

Viêm phổi trẻ sơ sinh là tình trạng xuất hiện vi khuẩn hay vi rút bên trong phổi của bé. Chúng sinh sôi, nảy nở và tạo thành những ổ nhiễm trùng. Có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi trẻ sơ sinh nhưng cha mẹ cần biết các nguyên nhân chính gồm:

Do nhiễm khuẩn trước, trong và ngay sau khi sinh

Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm khuẩn phổi từ trước, trong và ngay sau khi được sinh ra. Tình trạng nhiễm khuẩn thường do các loại vi khuẩn như Listeria, Coli, các vi khuẩn Gram âm... Cụ thể, trong quá trình sinh trẻ có thể bị bệnh do hít phải nước ối, phân su hoặc dịch tiết đã bị nhiễm khuẩn ở đường sinh dục của người mẹ. Quá trình đỡ đẻ, hồi sức sau đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm khuẩn nếu dụng cụ, môi trường và người chăm sóc không thực hiện đúng các yêu cầu về vệ sinh, vô trùng.

vicare.vn-cha-me-da-biet-nguyen-gay-viem-phoi-tre-so-sinh-chua-body-1

Do bộ máy hô hấp của trẻ còn non nớt

Nhiều người cho rằng trẻ em là "phiên bản thu nhỏ" của người lớn. Tuy nhiên, quan niệm này hoàn toàn không đúng vì ở trẻ sơ sinh bộ máy hô hấp còn non nớt, chưa hoàn thiện nên rất dễ nhiễm bệnh. Đặc biệt, nhiều bé bị viêm phổi tái đi tái lại, biến chứng nặng nề.

Trẻ đẻ non, thiếu cân

Những trẻ đẻ non, thiếu cân sẽ dễ bị viêm phổi trẻ sơ sinh hơn. Bởi ở nhóm trẻ này các phản xạ đường thực quản còn chưa hoàn thiện, vận động cơ chưa đều nên dễ bị trào ngược từ thực quản lên dạ dày. Khi bú mẹ, bé dễ bị nôn, trở, hít nhầm sữa vào khí quản gây các triệu chứng như thở gấp, hụt hơi, tím tái mặt. Nếu thường xuyên hít nhầm sữa vào khí quản thì trẻ có nguy cơ viêm phổi cao hơn.

Chăm sóc không đúng cách

Những sai sót trong quá trình chăm sóc là tác nhân khiến trẻ sơ sinh dễ bị viêm phổi. Có thể kể đến những sai sót chính mà nhiều gia đình đang mắc phải như ủ con quá ấm, trẻ ra mồ hôi nhiều mà không thay quần áo ngay khiến bé bị "mồ hôi ngấm ngược", dùng thiết bị làm mát sai cách, cho trẻ ra ngoài vào sáng sớm và đêm muộn, không đắp chăn cho trẻ kịp thời....

Triệu chứng, biến chứng của viêm phổi trẻ sơ sinh

Về triệu chứng, viêm phổi trẻ sơ sinh thường xuất hiện sớm, sau đẻ khoảng 12 giờ với diễn tiến nhanh và nặng. Không giống như viêm phổi ở trẻ lớn với biểu hiện chính là sốt cao, ho nhiều, nghe lưng thấy có tiếng "rít". Ở trẻ sơ sinh, do đường hô hấp của bé chưa phát triển đầy đủ nên triệu chứng ban đầu thường không rõ và dễ bị bỏ qua.

Có thể kể đến các triệu chứng thường thấy như sốt trên 37 độ C hoặc hạ thân nhiệt; bú kém hoặc bỏ bú; khó thở hoặc thở nhanh trên 60 lần/ phút. Đến khi có các triệu chứng rõ ràng như: bú kém hoặc bỏ bú, nôn nhiều, chướng bụng; trẻ sốt hoặc hạ thân nhiệt, li bì, đáp ứng kém với kích thích; khó thở, rút lõm lồng ngừng, tím tái... thì bệnh đã nặng, thậm chí có thể xuất hiện các biến chứng.

vicare.vn-cha-me-da-biet-nguyen-gay-viem-phoi-tre-so-sinh-chua-body-2

Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh bị viêm phổi nặng thì biến chứng nhiều và nguy hiểm hơn rất nhiều so với trẻ lớn. Cụ thể:

  • Đường hô hấp của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường hẹp, ngắn hơn nên khi bị viêm gây phù nề niêm mạc đường thở thì trẻ dễ gặp các cơn khó thở. Vùng viêm nhiễm có thể lan rộng nhanh chóng sang xung quanh khiến bệnh tiến triển nhanh, nguy hiểm.
  • Ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi, số phế nang vẫn còn ít. Mỗi lần trẻ thở là hầu như tất cả phế nang đều hoạt động và phải hoạt động nhanh hơn bình thường để đảm bảo nhu cầu oxy/ kg cân nặng cao hơn người lớn. Do đó, nếu quá trình này tăng cao, nhịp thở quá nhanh, kéo dài thì có thể khiến trẻ kiệt sức, suy hô hấp nghiêm trọng.

Cách phòng bệnh viêm phổi trẻ sơ sinh

Viêm phổi không quá nguy hiểm với những trẻ trên 5 tuổi (ít biến chứng) nhưng có thể là “nhát dao trí mạng” với trẻ sơ sinh. Do đó, cha mẹ hoặc người thân cần hết sức chú ý tình trạng của trẻ để phát hiện sớm các triệu chứng viêm phổi trẻ sơ sinh. Đồng thời, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị viêm phổi trẻ sơ sinh nhanh chóng, tránh biến chứng.

Nếu không muốn phải điều trị viêm phổi ở trẻ sơ sinh, các bậc cha mẹ nên chủ động phòng tránh bệnh bằng cách:

  • Trong quá trình mang thai nên đưa bà bầu đi khám, kiểm tra thai định kỳ để phát hiện và can thiệp kịp thời khi có những bất thường của thai nhi.
  • Nên sinh con tại cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn cho sản phụ và trẻ sơ sinh.
  • Về dinh dưỡng nên cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn, đúng cách để tăng sức đề kháng.
  • Cần chăm sóc tốt, chú ý vệ sinh cho mẹ và trẻ sơ sinh.
  • Những dụng cụ dùng trong quá trình chăm sóc trẻ như cốc, thìa, chăn, áo, tã... cần được làm sạch, khô, vô trùng sau mỗi lần sử dụng. Tránh không cho tiếp xúc với các nguồn lây bệnh.
  • Người trực tiếp chăm sóc trẻ sơ sinh phải rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi tiếp xúc với trẻ để trẻ không bị lây nhiễm vi khuẩn.

Xem thêm:

  • Vì sao trẻ em dễ mắc viêm phổi? Cách phòng tránh viêm phổi ở trẻ em
  • Chăm sóc tại nhà cho trẻ bị viêm phổi
  • Cảnh giác bệnh viêm phổi trẻ em trong mùa đông