Bạn có từng thắc mắc vì sao tĩnh mạch có màu xanh?
Mỗi lần đi khám, đi tiêm phòng, hay đi hiến máu chúng ta hay nghe bác sĩ nhắc đến lấy ven, ven còn được gọi là tĩnh mạch. HoiBenh sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin để giúp bạn hiểu thêm về tĩnh mạch ở bài viết dưới đây.
Bạn có từng thắc mắc vì sao tĩnh mạch có màu xanh?
1. Tĩnh mạch là gì?
Tĩnh mạch hay ven là mạch máu thuộc hệ tuần hoàn trong cơ thể con người, có chức năng dẫn máu trở về tim ( trong khi động mạch đưa máu từ tim ra). Trên thực tế, máu ở trong tĩnh mạch có lượng ô-xi thấp hơn khi đưa máu từ các mô trong cơ thể về tim. Tuy nhiên, trong y học có hai ngoại lệ là tĩnh mạch rốn và tĩnh mạch phổi.2. Tĩnh mạch có chức năng gì?
Hệ thống động mạch sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết và ô-xy (oxygen) cho tất cả các tế bào trong cơ thể. Nói cách khác, hệ thống này có nhiệm vụ chuyên chở máu “tươi” đi khắp cơ thể. Ở áp suất cao, tim chịu trách nhiệm bơm máu vào các động mạch. Để chịu được áp suất này, thành động mạch sẽ được cấu tạo bởi hệ thống cơ khỏe mạnh hơn. Đồng thời, mao mạch có nhiệm vụ trao đổi chất dinh dưỡng.
Còn tĩnh mạch có chức năng vận chuyển máu đã sử dụng trở về tim và đến các cơ quan khác như gan, thận để lọc sạch chất dơ, khi đến phổi sẽ đổi lấy ô – xy. Thành của tĩnh mạch mỏng hơn thành động mạch, bên cạnh đó các lớp cơ cũng yếu hơn, lí do vì động mạch chịu đựng áp suất cao hơn tĩnh mạch.
Lưu trữ máu và điều hòa nhiệt độ cơ thể: Đây cũng là một trong những chức năng của tĩnh mạch. Cụ thể khi tiết trời nóng bức sẽ khiến tĩnh mạch giãn ra, điều này làm cho tĩnh mạch hút được nhiều máu hơn để làm mát bề mặt da.
Các tĩnh mạch chạy dưới bề mặt da sẽ gom góp máu từ các lớp da. Đây là hệ tĩnh mạch nông. Từ phần này, máu góp được sẽ đổ vào hệ tĩnh mạch sâu (tĩnh mạch sâu được bao quanh bởi các bắp cơ ở chân) chạy thông qua các tĩnh mạch xuyên. Hệ tĩnh mạch sâu chịu trách nhiệm tiếp tục vận chuyển máu về tim nhờ các hoạt động bơm của cơ. Điều này lí giải vì sao vận động là điều cần thiết để đưa máu về tim.
Cụ thể, các bác sĩ lí giải như sau: Mỗi một bước đi của con người, các bắp cơ sẽ nở ra và tạo thành một “nhát bóp” ép lên tĩnh mạch sâu, rồi đẩy máu lên cao về tim. Lúc chân nghỉ, nếu không có gì “chặn lại” thì máu sẽ lại chảy ngược xuống chân theo chiều của trọng lực. Đây chính là lúc vai trò của “van tĩnh mạch” được phát huy.
Chức năng của các van tĩnh mạch: Các van tĩnh mạch có nhiệm vụ và chức năng ngăn chặn máu chảy ngược xuống chân và giúp phân tán áp lực trong lòng mạch nhờ có hệ thống nhiều van riêng rẽ được đóng dọc theo chiều dài của tĩnh mạch. Van tĩnh mạch hoạt động như van “một chiều”, nó chỉ cho máu chảy một chiều từ chân về tim mà thôi.3. Tĩnh mạch màu xanh và nguyên nhân
Máu chảy trong cơ thể chúng ta có màu đỏ tươi hay đỏ đậm tuỳ vào lượng oxy có trong máu; bên cạnh đó, bản thân tĩnh mạch cũng không phải có màu xanh, bản thân chúng chỉ có màu xanh khi chúng ta nhìn xuyên qua da. Màu xanh này được thấy do bốn yếu tố sau:
Đầu tiên đó là do sự tương tác của ánh sáng với da ở nhiều bước sóng, nó tạo ra những màu sắc khác nhau. Khi ánh sáng xuyên qua da, ánh sáng này bị hấp thụ và phát ngược trở lại vào môi trường. Quá trình này xảy ra hàng nghìn lần trong chớp mắt.
Các nhà khoa học cho rằng tĩnh mạch phát xạ nhiều màu xanh, và chỉ có một lượng rất ít có màu đỏ, đây là lí do chúng ta thường thấy tĩnh mạch có màu xanh.
Thứ hai là do lượng oxy trong máu ảnh hưởng tới màu máu cũng như khả năng hấp thụ ánh sáng. Cụ thể, hồng cầu sẽ vận chuyển Oxy. Theo nghiên cứu, một hồng cầu tối đa chỉ có thể mang bốn phân tử oxy. Dưới tác động của môi trường xung quanh như nhiệt độ cao, do môi trường axit thì một hoặc nhiều phân tử oxy sẽ bị rời khỏi hồng cầu và làm cho máu có màu thẫm. Màu đỏ thẫm này về bản chất vẫn là màu đỏ nhưng chúng ta dễ nhìn thành màu xanh hơn.
Thứ ba là do bản thân tĩnh mạch, cụ thể là do đường kính và vị trí của nó. Nếu như tĩnh mạch nằm ngay dưới da, chúng sẽ có màu đỏ. Khi xuống càng sâu, màu của tĩnh mạch sẽ dần pha thành màu xanh.
Cuối cùng là não bộ. Thông tin chúng ta thu nhận từ võng mạc đến não được xử lý rất nhiều lần. Trong trường hợp tĩnh mạch, có thể sự tương phản của vùng da xung quanh có xu hướng làm tĩnh mạch có màu xanh khi chúng ta nhìn vào.
Như vậy, bài viết trên HoiBenh đã cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin thú vị về tĩnh mạch cũng như những nhiệm vụ và chức năng của nó, hi vọng bài viết là những thông tin bổ ích cho bạn.