Bác sĩ ơi: Phụ nữ mắc trứng lép có thụ thai được không?
Chị Hoàng Thị M., 28 tuổi, đã kết hôn được 2 năm, không dùng biện pháp tránh thai nào nhưng vẫn chưa có thai. Chị đi khám bác sĩ nói chị bị trứng lép, nên dùng biện pháp kích trứng. Chị rất lo lắng và thắc mắc: phụ nữ mắc trứng lép có thai được không? Trứng lép là gì?
Bác sĩ ơi: Phụ nữ mắc trứng lép có thụ thai được không?
Chị Hoàng Thị M., 28 tuổi, đã kết hôn được 2 năm, không dùng biện pháp tránh thai nào nhưng vẫn chưa có thai. Chị đi khám bác sĩ nói chị bị trứng lép, nên dùng biện pháp kích trứng. Chị rất lo lắng và thắc mắc: Phụ nữ mắc trứng lép có thai được không? Trứng lép là gì?
Trứng lép là gì?
Trứng lép không phải là một thuật ngữ y học, chỉ là ngôn ngữ thông thường dùng để chỉ tình trạng trứng không phát triển hoặc phát triển không đầy đủ, không phá vỡ được lớp màng bọc, do đó trứng không rụng và thụ thai được. Đối với trường hợp của chị M., chị đã kết hôn 2 năm, không dùng biện pháp tránh thai nào mà vẫn chưa có thai, tức là chị đang gặp phải vấn đề hiếm muộn. Việc hiểu rõ hơn về trứng lép sẽ giúp chị có những quyết định điều trị và chăm sóc bản thân phù hợp.
Thường phụ nữ mắc trứng lép không phải tất cả trứng đều lép. Để xác định chính xác, chị em nên đi kiểm tra trứng trong một thời gian dài theo chỉ định của bác sĩ.
Dấu hiệu của trứng lép
Biểu hiện của trứng lép thông thường không rầm rộ và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh sản - phụ khoa khác. Do đó, phụ nữ thường chỉ phát hiện tình trạng này khi có dấu hiệu hiếm muộn và đi khám.
Tuy nhiên, chị em cần chú ý và nghi ngờ trứng lép khi có một số biểu hiện sau:
- Rối loạn kinh nguyệt: Do thiếu hụt hormone estrogen. Khi trứng không rụng, niêm mạc tử cung không bong, sẽ không xuất hiện kinh nguyệt. Phụ nữ mắc trứng lép có thể vô kinh, chu kì kinh kéo dài, không đều,...
- Thống kinh: Đau vùng bụng dưới, mức độ khác nhau ở từng người.
- Dịch âm đạo có màu hay mùi bất thường: Do thiếu hụt nội tiết tố nữ tác động lên sự tiết dịch nhầy âm đạo.
Nguyên nhân gây trứng lép
- Rối loạn nội tiết: Chủ yếu là do thiếu hụt hormone estrogen, có thể là hậu quả của một rối loạn toàn thân hay rối loạn tại buồng trứng. Ví dụ: Suy buồng trứng.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt không phù hợp: Ăn uống thiếu vitamin, sử dụng chất kích thích, thức khuya, ngủ không đủ giấc,... đều ảnh hưởng xấu đến tình trạng trứng lép.
- Lão hóa: Từ sau 30 tuổi, các cơ quan bắt đầu lão hóa, trong đó có cả cơ quan sinh sản. Nội tiết tố suy giảm, ảnh hưởng đến nuôi dưỡng trứng, phóng noãn.
- Stress là một trong những yếu tố gây rối loạn nội tiết, khiến trứng không phát triển đầy đủ, gây hiện tượng trứng lép.
Phụ nữ mắc trứng lép có thai được không?
Phụ nữ mắc trứng lép có thụ thai được không là lo lắng thường gặp nhất của chị em phụ nữ, nhất là những người đang trong độ tuổi sinh sản.
Do trứng lép không rụng được nên không có khả năng gặp tinh trùng. Vì vậy, trứng lép không thể thụ thai theo cách tự nhiên. Tuy nhiên, phụ nữ mắc trứng lép có thể có một số trứng bình thường, nếu theo dõi và xác định đúng thì trứng bình thường này rụng vẫn có khả năng thụ thai. Tuy nhiên, việc tự căn thời điểm là rất khó. Thường phụ nữ trứng lép muốn canh trứng nên nhờ sự can thiệp của bác sỹ sản khoa
Nếu muốn có thai, tốt nhất nên điều trị trứng lép sớm. Đối với chị M., trước 30 tuổi, chị đang trong độ tuổi phù hợp và có đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị trứng lép.
Biện pháp thường được sử dụng nhất hiện nay để điều trị trứng lép là kích trứng. Bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc để kích thích hoạt động của buồng trứng, để các nang noãn phát triển, trứng rụng và có khả năng gặp tinh trùng. Thời điểm trứng rụng sẽ được theo dõi và tính toán chỉ định để có quan hệ tình dục hoặc bơm tinh trùng, đảm bảo khả năng thụ thai.
Những lưu ý khi kích trứng bị lép để có thai
Dùng thuốc nào, ở thời điểm nào, với nồng độ bao nhiêu và đáp ứng điều trị là không giống nhau giữa các bệnh nhân. Có trường hợp sử dụng thuốc kích trứng nhưng trứng vẫn không phát triển như mong muốn. Khi đó bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể thay đổi phác đồ hoặc dùng biện pháp hỗ trợ sinh sản khác như thụ tinh trong ống nghiệm,...
Bên cạnh hiệu quả đã được công nhận, biện pháp kích trứng đối với phụ nữ mắc trứng lép cũng tiềm ẩn những nguy cơ biến chứng, có thể kể đến như:
- Lạm dụng thuốc kích trứng gây đa thai, buồng trứng suy kiệt, lão hóa sớm.
- Quá kích buồng trứng do liều thuốc quá cao, dẫn đến suy thận, xoắn nang noãn, thậm chí tử vong.
Những biến chứng trên phần lớn là do người bệnh tự ý sử dụng thuốc, không theo phác đồ và chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh việc dùng thuốc, duy trì chế độ ăn uống, tập luyện, giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ cũng rất quan trọng trong điều trị trứng lép cũng như tăng khả năng thụ thai của chị em.
Như vậy, chị em không nên quá lo lắng về việc phụ nữ mắc trứng lép có thụ thai được không. Chỉ cần thăm khám đầy đủ, tuân thủ đúng phác đồ điều trị và nghe theo lời khuyên của bác sĩ, thì mắc trứng lép vẫn có thể có thai.
Xem thêm:
- Những yếu tố cơ bản kích thích quá trình rụng trứng sớm ở phụ nữ
- Các loại thuốc kích trứng cho phụ nữ nên dùng
- Những điều cần biết khi kích trứng trong thụ tinh ống nghiệm