Bà bầu bị chảy máu cam có nguy hiểm không?
Khi mang thai, hệ tuần hoàn của thai phụ giãn ra để phù hợp với sự phát triển của em bé. Sự giãn nở sẽ tạo ra nhiều máu và gia tăng lưu thông máu. Những thay đổi này có thể khiến bà bầu bị chảy máu cam thường xuyên hơn. Cùng HoiBenh tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này và trang bị kiến thức để xử lí khi bà bầu bị chảy máu cam qua bài viết sau đây.
Bà bầu bị chảy máu cam có nguy hiểm không?
Bà bầu bị chảy máu cam
Khi bà bầu bị chảy máu cam, máu chảy ra từ một hoặc cả hai lỗ mũi. Chảy máu cam có thể nặng hoặc nhẹ và kéo dài từ vài giây đến hơn 10 phút. Chảy máu cam có thể xảy ra khi bà bầu đang ngủ, có thể cảm thấy chất lỏng ở phía sau cổ họng trước khi máu chảy ra từ mũi nếu bà bầu đang nằm.
Khi mang thai, thai phụ cũng có thể cảm thấy mũi bị tắc nghẽn hơn bình thường. Nếu gặp tình trạng này, thai phụ cũng không nên quá sốt ruột nếu không mất nhiều máu và các triệu chứng này thường có thể được điều trị tại nhà.
Nguyên nhân gây chảy máu cam khi mang thai
Nguyên nhân chính khiến các bà bầu bị chảy máu cam là sự gia tăng của các hormone trong thai kỳ. Một số thai phụ có thể xuất hiện chảy máu cam trong suốt thai kì. Tuy nhiên đa số bà bầu chảy máu cam thường xảy ra vào 3 tháng giữa. Các hormone progesterone và estrogen khi mang thai ảnh hưởng đến hoạt động của mạch máu. Estrogen làm cho các mạch máu của bà bầu mở rộng hơn (giãn ra). Progesterone làm gia tăng nguồn cung cấp máu của bà bầu, gây áp lực lên các tĩnh mạch mỏng manh ở mũi của thai phụ.
Một nguyên nhân nữa khiến bà bầu bị chảy máu cam là do thời tiết chuyển mùa, không khí trở nên lạnh khô làm lớp màng nhầy bên trong mũi bị sưng và khô, khiến thai phụ dễ nhiễm bệnh về đường hô hấp: viêm xoang, viêm mũi dị ứng hoặc màng nhầy bị khô.
Ngoài ra còn do bà bầu bị chấn thương, bệnh tăng huyết áp, các bệnh lý rối loạn đông máu hoặc do tác dụng phụ của thuốc kháng viêm không steroid, thuốc thông mũi hoặc thuốc xịt mũi.
Tất cả nguyên nhân trên có thể làm cho các mạch trong mũi của bà bầu dễ bị vỡ hơn, khiến bà bầu bị chảy máu cam nhẹ. Ngay cả khi không xuất hiện máu chảy, thai phụ vẫn có thể nhận thấy những vệt máu trên khăn giấy sau khi xì mũi.
Bà bầu bị chảy máu cam có nguy hiểm không?
Một tin tốt cho mẹ bầu là mặc dù những trường hợp chảy máu cam này có thể gây nhiều hoảng sợ và bất tiện, nhưng hầu hết các trường hợp này đều không gây ra mối đe dọa nào cho thai phụ hoặc em bé trong bụng mẹ. Nhưng với trường hợp chảy máu cam nặng, tái phát lặp đi lặp lại hoặc xảy ra cùng với các triệu chứng khác, hãy báo cho bác sĩ ngay vì chảy máu cam trong thai kỳ đôi khi có liên quan đến:
- Tỷ lệ xuất huyết sau sinh cao hơn
- Tăng huyết áp và tiền sản giật
- Xuất huyết mũi
- Rối loạn đông máu liên quan đến thai kỳ hoặc bệnh lý rối loạn đông máu.
Bà bầu bị chảy máu cam phải làm sao?
Khi bà bầu bị chảy máu cam, hãy dùng ngón cái và ngón trỏ bóp, kẹp chặt phần mềm của mũi, ngay phía trên lỗ mũi, giữ từ 10 đến 15 phút không được buông tay ra. Nghiêng người về phía trước một góc 45 độ và thở bằng miệng, tư thế này giúp máu chảy ra mũi, ngăn máu chảy vào cổ họng gây buồn nôn, giữ yên khiến máu sẽ từ từ đông lại. Ngồi hoặc đứng thẳng thay vì nằm, vì điều này làm giảm huyết áp trong tĩnh mạch mũi của bà bầu và sẽ ngăn chặn chảy máu thêm. Trong quá trình đông máu có thể sử dụng một chiếc khăn sạch bọc vài viên nước đá sau đó chườm lên mũi để quá trình đông máu nhanh hơn.
Để ngăn bà bầu chảy máu cam trở lại, trong 24 giờ tới bà bầu hãy cố gắng không nằm xuống, không xì mũi, tập thể dục vất vả hoặc làm bất kỳ hoạt động mạnh nào cũng như uống rượu hoặc đồ uống nóng, vì những điều này có thể làm cho mạch máu trong mũi của thai phụ giãn ra. Nên uống nhiều nước, vì khi bị khô mũi có thể làm tình trạng chảy máu cam nặng hơn. Ngoài ra có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để tránh khô mũi.
Bà bầu bị chảy máu cam cần nhập viện khi nào?
- Chảy máu cam liên tục hơn 20 phút không thể cầm máu.
- Chảy máu cam không thể thở được.
- Máu chảy ra phía sau khoang mũi trào ra miệng, nuốt máu dẫn đến nôn mửa nặng.
- Chảy máu cam kèm theo tăng huyết áp.
Phòng tránh
Khi bà bầu phải xì mũi hoặc lau mũi vì bất kỳ lý do gì, hãy thực hiện một cách nhẹ nhàng. Điều này sẽ giúp giảm khả năng bị chảy máu cam khi mang thai.
Giữ ấm cơ thể đặc biệt là giữ ấm vùng mũi, không để mũi quá khô hoặc tiếp xúc lâu với không khí lạnh. Bà bầu có thể bôi một lớp vaseline mỏng lên mũi và dùng máy tạo độ ẩm trong phòng để tránh khô mũi.
Thai phụ nên uống nhiều nước, ăn đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung vitamin và khoáng chất. Tránh xa các yếu tố gây kích ứng mũi như khói thuốc lá, bụi bặm và hạn chế dùng thuốc giảm đau, thuốc xịt mũi...
Xem thêm:
- Những lưu ý khi bà bầu chảy máu cam
- Bà bầu bị chảy máu chân răng phải làm sao?
- Bà bầu bị chảy máu cam có nguy hiểm và ảnh hưởng tới thai nhi không?