Áp lực chăm người bệnh
Bộ Y tế quy định việc chăm sóc người bệnh trong bệnh viện là nhiệm vụ của bệnh viện, là công việc chuyên môn của điều dưỡng, nhưng thực tế lại do người nhà gánh vác. Điều này dễ khiến người bệnh, thân nhân người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, đơn chiếc rơi vào bế tắc. Khi có người nhà nằm viện, nhiều người phải chia ca túc trực chăm sóc - Ảnh minh họa: HỮU KHOA Làm thay đ...
Áp lực chăm người bệnh
Bộ Y tế quy định việc chăm sóc người bệnh trong bệnh viện là nhiệm vụ của bệnh viện, là công việc chuyên môn của điều dưỡng, nhưng thực tế lại do người nhà gánh vác.
Điều này dễ khiến người bệnh, thân nhân người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, đơn chiếc rơi vào bế tắc.
Làm thay điều dưỡng
Bà L.H.V. (59 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM) kể cuối tháng 5-2016 mẹ bà là C.T.N. (85 tuổi) bị té gãy xương ụ ngồi, phải nhập viện điều trị tại một bệnh viện ở TP.HCM.
Sau một tuần nằm viện uống thuốc điều trị, mẹ bà bị biến chứng suy thận cấp, viêm phổi nặng nên chuyển xuống khoa thận lọc máu điều trị tiếp. Do tình trạng mẹ bà không thể lọc thận, bác sĩ cho chuyển ra phòng bệnh nặng để theo dõi, điều trị.
Theo bà V., khi mẹ bà được chuyển từ phòng lọc thận ra phòng bệnh nặng, ngoài việc toàn thân bị rung giật liên hồi, trên người bà N. còn gắn đủ thứ dây vào máy monitor. Nhưng nhiều việc chăm sóc chuyên môn cho bà N. đều do người nhà tự làm.
Người nhà bà V. phải theo dõi các thông số sức khỏe của bà N. trên máy monitor 24/24 giờ để sang phòng hành chính của khoa báo ngay nếu có bất thường, làm cả việc bơm thức ăn qua ống thông dạ dày, cho thuốc vào dụng cụ chụp mũi miệng để phun khí dung...
Gần một tháng mẹ bà nằm viện, bà V. thấy điều dưỡng chỉ làm nhiệm vụ cặp nhiệt độ, đo huyết áp hoặc thay băng, tiêm thuốc, truyền dịch.
Mệt mỏi thể xác lẫn tinh thần
Trưa 6-7, anh Nguyễn Ngọc D. (30 tuổi, quê Long An) trải chiếu nằm vạ vật dọc hành lang Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Anh D. vào chăm mẹ gần một tuần nay. Mẹ anh (56 tuổi) phải phẫu thuật vì căn bệnh u nang buồng trứng. Khuôn mặt anh phờ phạc, ánh mắt đờ đẫn sau nhiều ngày không ngủ đủ giấc.
Anh D. kể mấy hôm nay anh xin nghỉ không lương, vào viện với mẹ. Dù mẹ anh có bảo hiểm y tế nhưng gia đình vẫn phải vay mượn để trang trải các chi phí đi lại và đóng tạm ứng viện phí.
Trong khi đó, chị Đ. (38 tuổi, quê An Giang) rớm nước mắt chia sẻ chị đang chăm sóc em gái út 19 tuổi, bị u não ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ph., em gái chị, không tự đi lại được, phải ngồi xe lăn. Ở bệnh viện gần cả tháng, thiếu ngủ dài ngày khiến mắt chị thâm quầng.
Ph. là sinh viên năm nhất đại học, người duy nhất trong 6 chị em được đi học. Gia đình kinh tế khó khăn, ba mẹ đều già yếu, các anh chị trong nhà chỉ làm thuê, nên chi tiêu gì chị phải rất tính toán.
Khó có thể kể hết những nỗi khó khăn của người đi trông bệnh nhân ở bệnh viện. Người bệnh ốm đau đã khổ, người đi trông cũng khổ sở không kém: không có chỗ nghỉ, vệ sinh bệnh viện kém, ăn uống qua loa, trong khi họ phải lo đủ thứ từ nâng giấc, vỗ về, chăm sóc, cho bệnh nhân ăn, theo dõi dịch truyền, giờ uống thuốc...
Nguyên nhân do đâu?
Ông Lê Tuyên Hồng Dương, phó giám đốc Bệnh viện Giao thông vận tải T.Ư, cho rằng để người nhà vào bệnh viện trông nom bệnh nhân là “cực chẳng đã”. “Người bệnh nằm viện vài ngày còn đỡ, nằm viện cả tháng hoặc bị liệt, khó khăn về vận động hoặc thần kinh thì người nhà rất vất vả”- ông Dương chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), điều này là do lực lượng điều dưỡng chưa đủ, định biên điều dưỡng/người bệnh còn rất ít so với các nước tiên tiến. Như ở Nhật Bản, một điều dưỡng chỉ chăm sóc 3 người bệnh/ngày, còn tại Chợ Rẫy, một điều dưỡng phải chăm sóc trên 10 bệnh nhân.
“Với định biên này chỉ đủ làm các việc như tiêm chích, thay băng, truyền dịch, cho ăn qua ống thông. Điều dưỡng phải làm nhiều việc hành chính khác, trong đó có nhiều việc liên quan đến thủ tục bảo hiểm y tế, tạo ra nghịch lý là không được tập trung công việc chuyên môn” - PGS Trường Sơn phân tích.
Một vấn đề khác là dù Bộ Y tế đã quy định về chăm sóc người bệnh toàn diện cách đây 5 năm, nhưng lộ trình chưa cụ thể. Hiện việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân tại Chợ Rẫy mới áp dụng cho các khoa săn sóc đặc biệt, cho người bệnh nặng, nguy kịch, hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, phải nằm bất động.
Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cũng chia sẻ: “Công việc hành chính của điều dưỡng chiếm hơn nửa thời gian làm việc. Ở nước ngoài, khi bệnh nhân nhập viện mọi chuyện từ A đến Z bệnh viện lo hết. Nhưng ở ta đây là hạn chế của ngành y tế do tình trạng quá tải, áp lực của điều dưỡng quá lớn và cả bác sĩ cũng vậy” .
Chú trọng tư vấn tâm lý
PGS Trường Sơn cho biết bệnh viện có xu hướng tuyển thêm thư ký y khoa làm công việc hành chính để điều dưỡng tập trung chuyên môn. Chưa kể, cần kết hợp công việc theo đội nhóm. Ngoài ra, với bệnh nhân ung thư, theo bác sĩ Quốc Thịnh, nếu làm không tốt công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý dễ khiến người bệnh hoặc thân nhân bế tắc.
Tại Bệnh viện Ung bướu TP, bác sĩ thường giải thích cho người nhà hiểu, rồi thông qua đó động viên người bệnh. Với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện phối hợp với chuyên gia tâm lý Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và chuyên gia tâm lý thực hành Paris của Pháp để trao đổi với bệnh nhân.
Theo các bác sĩ, không chỉ bệnh nhân ung thư mà cả người nhà cũng bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng. Đây là nhóm bệnh mà người bệnh và người thân bị tổn thương tâm lý nhất sau khi được phát hiện bệnh. Vì thế cần phải chăm sóc cả cho người chăm sóc họ.
Thông tư 07/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 26-1-2011 hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện gồm 32 điều. Trong đó quy định rất rõ chăm sóc, theo dõi người bệnh là nhiệm vụ của bệnh viện. Theo quy định này, chăm sóc người bệnh trong bệnh viện gồm có hỗ trợ, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người bệnh nhằm duy trì hô hấp, tuần hoàn, thân nhiệt, ăn uống, bài tiết, tư thế, vận động, vệ sinh cá nhân, ngủ, nghỉ; chăm sóc tâm lý; hỗ trợ điều trị và tránh các nguy cơ từ môi trường bệnh viện cho người bệnh. |
Nguồn: http://tuoitre.vn/