Acid folic là vitamin gì? Đối tượng nào nên sử dụng?
Acid folic là vitamin nhóm B, là một trong những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể. Acid folic thường được sử dụng trong một số trường hợp thiếu máu và cho phụ nữ có thai. Chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về tác dụng, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, cách dùng và các tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng acid folic.
Acid folic là vitamin gì? Đối tượng nào nên sử dụng?
Các thông số kỹ thuật của Acid folic
- Nhóm thuốc: Thuốc tác dụng đối với máu.
- Tên khác của Acid folic là vitamin B9.
- Biệt dược: Acid Folic 5mg; DBL Leucovorin Calcium Rescuvolin.
- Biệt dược mới: Heramama, Prenatal, Acid folic MKP, Acid folic 5mg, Sắt Fumarat Acid folic.
- Dạng thuốc và hàm lượng:
- Dạng viên nang uống có các hàm lượng sau: 5mg, 20mg.
- Dạng viên nén uống có các hàm lượng sau: 400 mcg, 800 mcg, 1mg.
- Dạng viên nén uống không chất bảo quản: 400 mcg, 800 mcg.
- Dạng dung dịch, thuốc tiêm có hàm lượng: 5mg/ml (dưới dạng muối natri folat).
- Bảo quản: Bảo quản ở nhiệt độ thường và tránh ánh sáng. Đặc biệt chú ý dung dịch nước acid folic rất nhạy cảm với nhiệt và nhanh bị phân hủy dưới ánh sáng và/hoặc riboflavin (Vitamin B2).
Tác dụng của acid folic là gì?
Acid folic là vitamin nhóm B, có trong các loại thực phẩm như đậu khô, đậu lăng, đậu Hà Lan, cam, củ cải, cải bruxen, sản phẩm mì, măng tây, bông cải xanh và gan.
Acid folic có các tác dụng sau đây:
- Giúp cho cơ thể sản xuất và duy trì số lượng tế bào mới.
- Acid folic giúp ngăn ngừa các thay đổi DNA có thể dẫn tới ung thư.
- Acid folic được sử dụng trong điều trị chứng thiếu acid folic và bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu acid folic.
- Ngoài ra, acid folic còn được sử dụng kết hợp với một số thuốc khác để điều trị các bệnh thiếu máu ác tính. Thuốc không có tác dụng với trường hợp thiếu máu do thiếu vitamin B12 và không ngăn chặn được chứng tổn thương tủy sống.
Đối tượng nào được chỉ định sử dụng Acid folic?
Acid folic được chỉ định trong các trường hợp sau đây:
- Acid folic được chỉ định trong phòng và điều trị tình trạng thiếu acid folic, không phải do chất ức chế hay dihydrofolat reductase.
- Trường hợp thiếu acid folic trong chế độ ăn.
- Người bị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu acid folic: thường gặp ở những người kém hấp thu hoặc bị ỉa chảy kéo dài.
- Dùng cho phụ nữ mang thai, đặc biệt trong trường hợp đang điều trị sốt rét hoặc lao.
- Sử dụng để bổ sung acid folic cho bệnh nhân đang sử dụng các thuốc kháng acid folic như thuốc Methotrexate.
- Sử dụng để bổ sung cho bệnh nhân đang sử dụng các thuốc điều trị bệnh động kinh như thuốc Hydantoin.
- Sử dụng trong điều trị thiếu máu do tan máu khi nhu cầu acid folic tăng cao.
Acid folic bị chống chỉ định trong trường hợp nào?
Acid folic bị chống chỉ định trong các trường hợp sau đây:
- Thiếu máu tán huyết.
- Bệnh đa hồng cầu.
- Bệnh thiếu máu chưa được chẩn đoán chắc chắn.
- Các trường hợp mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Những người đang bị các bệnh nhiễm trùng.
Trường hợp nào phải thận trọng khi sử dụng acid folic?
Những trường hợp thiếu máu chưa rõ nguyên nhân cần phải thận trọng, bởi việc sử dụng Acid folic để điều trị các trường hợp này sẽ làm giảm các triệu chứng thiếu máu. Tuy nhiên với các trường hợp thiếu máu do thiếu vitamin B12 thì acid folic không có khả năng ngăn chặn các triệu chứng thần kinh, rất dễ gây tổn thương thần kinh nặng.
Ảnh hưởng của acid folic với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú như thế nào?
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai sẽ có nhu cầu acid folic tăng cao. Thiếu acid folic trong thời kỳ này có thể gây ra các tổn thương cho thai nhi. Chính vì vậy cần phải bổ sung đầy đủ acid folic cho phụ nữ trước khi mang thai 1 tháng và trong 3 tháng đầu của thai kỳ để dự phòng hiện tượng dị dạng ống thần kinh cho thai nhi. Đặc biệt ở những phụ nữ đang điều trị động kinh hoặc sốt rét, bởi các loại thuốc dùng trong điều trị các bệnh này có thể gây thiếu acid folic.
Phụ nữ được sử dụng acid folic trong suốt thời gian cho con bú. Acid folic được bài tiết nhiều vào sữa mẹ.
Nên sử dụng Acid folic như thế nào cho đúng?
- Việc sử dụng Acid folic cần tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của các bác sĩ.
- Không được sử dụng liều lượng lớn hơn hoặc dùng lâu hơn so với quy định hay chỉ định của bác sĩ.
- Thực hiện đúng theo các hướng dẫn trên nhãn sản phẩm.
- Khi sử dụng Acid folic dạng uống, cần uống với nhiều nước.
- Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng cho phù hợp với tình trạng của bạn, nên bạn không được tự ý tăng hoặc giảm liều.
- Trong quá trình sử dụng, nếu bạn không thấy bệnh thuyên giảm hoặc bệnh nặng hơn, cần phải báo cho bác sĩ biết để có hướng xử trí kịp thời.
Liệu lượng và cách dùng Acid folic
Cách dùng Acid folic:
Acid folic thường được sử dụng đường uống. Trong trường hợp kém hấp thu có thể sử dụng đường tiêm dưới da, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch. Liều lượng thuốc tiêm (natri folat) được tính theo acid folic.
Những bệnh nhân bị thiếu acid folic thông thường sẽ đáp ứng nhanh với việc điều trị.
- Trong 24 giờ đầu điều trị, bệnh nhân sẽ cảm thấy sảng khoái, dễ chịu.
- Trong 48 giờ, tủy xương của bệnh nhân đã bắt đầu sản sinh ra các nguyên hồng cầu.
- Trong 2 - 5 ngày sau khi bắt đầu điều trị, hồng cầu lưới bắt đầu tăng.
Liều dùng cho người lớn:
- Dự phòng và điều trị thiếu acid folic, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu acid folic: Acid folic dùng dạng uống với liều 5mg/ ngày, trong vòng 4 tháng. Với trường hợp kém hấp thu có thể sử dụng liều cao tới 15mg/ngày.
Sau 4 tháng, sử dụng liều duy trì 5mg, cứ 1-7 ngày uống 1 lần tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng người.
- Dự phòng thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ ở phụ nữ có thai: thường sử dụng liều 200 - 500 mcg/ ngày.
- Sử dụng trong điều trị thiếu máu huyết tán mạn tính (bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh Thalassemia) và dự phòng thiếu acid folic cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo: thường sử dụng liều 5mg/lần, cách 1-7 ngày/lần tùy theo chế độ ăn và tốc độ tan máu của từng bệnh nhân.
- Sử dụng dự phòng cho phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị dị dạng ống thần kinh cho thai nhi: 4-5 mg/ngày. Uống liên tục từ trước khi mang thai khoảng 4 tuần cho đến hết 03 tháng đầu của thai kỳ.
- Đối với phụ nữ trong độ tuổi mang thai sử dụng liều: 400 mcg/ngày.
Liều dùng cho trẻ em:
- Dự phòng và điều trị thiếu acid folic, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu acid folic:
- Trẻ dưới 1 tuổi: liều 500 mcg/kg/ngày, uống 1 lần/ngày.
- Trẻ trên 1 tuổi: sử dụng liều giống người lớn.
- Dự phòng thiếu acid folic cho trẻ em đang chạy thận nhân tạo:
- Trẻ từ 1 - 12 tháng tuổi: 250 mcg/kg/ngày.
- Trẻ trên 1 tuổi: 5 - 10 mg/ngày.
Tác dụng không mong muốn có thể gặp khi sử dụng Acid folic là gì?
Khi sử dụng Acid folic hiếm khi gặp phải các tác dụng không mong muốn. Tỷ lệ gặp các tác dụng phụ là < 1/1000.
Các tác dụng phụ có thể gặp đó là:
- Ngứa.
- Nổi ban.
- Mày đay.
- Rối loạn tiêu hóa.
Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bạn cần báo ngay cho bác sĩ điều trị biết để có hướng xử lý kịp thời.
Acid folic tương tác với những loại thuốc nào?
Acid folic sẽ tương tác với các loại thuốc dưới đây:
- Folat tương tác với Sulfasalazin có thể làm giảm hấp thu folat.
- Folat tương tác với thuốc tránh thai dạng uống làm giảm sự chuyển hóa của folat. Các thuốc tránh thai dạng uống ở một mức độ nào đó làm giảm folat và vitamin B12.
- Acid folic tương tác với các loại thuốc chống co giật làm giảm nồng độ các thuốc chống co giật trong huyết thanh.
- Acid folic tương tác với thuốc Cotrimoxazol làm giảm tác dụng của acid folic trong điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ.
Bạn nên liệt kê các loại thuốc đang sử dụng cho bác sĩ biết và không được tự ý tăng giảm liều lượng thuốc khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
Trên đây là các thông tin cơ bản về acid folic mà mọi người cần biết. Tuy acid folic là vitamin B9 nhưng không phải vì thế mà có thể sử dụng tùy tiện, không phải ai cũng có thể dùng được. Việc sử dụng acid folic cần tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Xem thêm:
- Acid folic có phải là sắt không?
- Làm sao khi trẻ em bị thiếu hụt vitamin?