7 thói quen để có một giấc ngủ tốt

Để có một cơ thể khỏe mạnh, thông thường chúng ta chỉ tập trung vào hai vấn đề: Ăn uống và tập thể dục. Thế nhưng ngủ tốt cũng là một phần quan trọng giúp cơ thể khỏe mạnh. Những thói quen sau sẽ giúp bạn có một giấc ngủ sâu và tốt hơn...

7 thói quen để có một giấc ngủ tốt 7 thói quen để có một giấc ngủ tốt

Thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày

Một trong những yếu tố quan trọng nhất cho một giấc ngủ chất lượng là sự thống nhất của lịch trình giấc ngủ. Thời gian chính xác mà bạn thức dậy không quan trọng bằng việc giữ nó thường xuyên và tạo thành một thói quen. Thức dậy vào khoảng cùng thời gian mỗi ngày khiến cho đồng hồ sinh học trong cơ thể bạn được lập trình một cách hoàn hảo. Điều này cần phải thực hiện hàng ngày. Ngay cả với những ngày được nghỉ hay những ngày cuối tuần cũng không được ngủ nướng vì nếu không thói quen này vô tình phá vỡ lịch trình thức dậy đúng giờ của bạn.

Vì vậy, hãy cố gắng đi ngủ vào giờ nhất định và ngủ đủ giấc từ 7-8 giờ đồng hồ/đêm và dậy đúng giờ.

vicare.vn-7-thoi-quen-de-co-mot-giac-ngu-tot-body-1

Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời

Sau khi thức dậy, ngoài việc tập thể dục, một trong những điều mà bạn nên làm là đi ra ngoài và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Việc này sẽ giúp nhịp sinh học của cơ thể hoạt động đúng hướng và làm tăng nồng độ serotonin, từ đó giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn, tận hưởng một giấc ngủ sâu hơn và thức dậy tươi tỉnh hơn. Khoảng thời gian lúc sáng sớm là khoảng thời gian ánh nắng mặt trời mát dịu và chứa nhiều vitamin D rất tốt cho cơ thể.

Nên uống cà phê vào buổi sáng

Nếu chúng ta có thói quen uống cà phê thì nên uống vào buổi sáng. Bởi chất caffein trong cà phê có thể phải mất từ 4-6 giờ mới thải trừ ra khỏi cơ thể bạn. Nếu sử dụng caffein quá muộn vào buổi chiều hoặc buổi tối chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.

vicare.vn-7-thoi-quen-de-co-mot-giac-ngu-tot-body-2

Không nên tập thể dục quá muộn

Hoạt động thể chất thường xuyên rất tốt cho giấc ngủ. Đối với những người bận rộn không có thời gian tập thể dục vào buổi sáng có thể tập luyện vào buổi chiều tối nhưng không nên tập thể dục quá muộn. Hãy kết thúc việc tập này ít nhất 2 hoặc 3 giờ trước khi đi ngủ.Vì một trong những điều tự nhiên xảy ra khi chúng ta rơi vào giấc ngủ là nhiệt độ cơ thể sẽ hạ xuống. Việc tập thể dục có xu hướng làm tăng nhiệt độ cơ thể. Quá trình để cơ thể hạ nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến thời gian mà chúng ta đi vào giấc ngủ...

Nên ăn một bữa ăn tối nhỏ và không ăn quá muộn

Ăn các bữa ăn lớn quá gần giờ đi ngủ làm cho cơ thể bạn có quá ít thời gian để tiêu hóa trước khi bạn nằm xuống giường đi ngủ. Thói quen này không chỉ phá vỡ giấc ngủ của bạn mà còn gây hậu quả lâu dài. Ví dụ gây đường cao trong máu làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa và bệnh tiểu đường.

Hệ tiêu hóa của bạn hoạt động theo chu kỳ giống như các hormon, áp lực máu, nhiệt độ cơ thể... Nếu bạn ăn quá muộn vào ban đêm, cơ thể bạn sẽ không phản ứng theo cách thông thường, sẽ gây ra các rối loạn, trong đó có giấc ngủ.

Tắt các thiết bị gây âm thanh trước khi đi ngủ

Một giờ trước khi ngủ, hãy tắt tivi, máy tính và chuông điện thoại để cơ thể được thoải mái và thư giãn. Nếu nói chuyện điện thoại hay xem tivi... làm cơ thể phóng thích hormon, nó có tác động tương tự lên cơ thể khi bạn bị căng thẳng. Hơn nữa, các nghiên cứu gần đây còn chỉ ra rằng ánh sáng màu xanh phát ra điện thoại của bạn sẽ ức chế melatonin - một hormon có liên quan đến giấc ngủ và nhịp sinh học của cơ thể sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn. Vì vậy, cần phải tắt các thiết bị âm thanh, điện thoại 1 giờ trước khi đi ngủ và không bao giờ sử dụng các thiết bị này khi bạn còn đang ở trên giường.

vicare.vn-7-thoi-quen-de-co-mot-giac-ngu-tot-body-3

Nên đi ngủ trước 11 giờ đêm

Hãy cố gắng kết thúc công việc trước 11 giờ đêm để lên giường tận hưởng giấc ngủ ngon lành, chắc chắn bạn sẽ thấy khỏe mạnh và hạnh phúc, yêu đời hơn rất nhiều. Ngủ đúng giờ và trước nửa đêm sẽ giúp cơ thể sản xuất và kiểm soát được chất serotonin - chất được sản sinh trong não và có khả năng điều tiết cảm xúc của mỗi người. Lượng serotonin được sản sinh đầy đủ sẽ giúp bạn làm chủ được mình và thực hiện các hoạt động hàng ngày hiệu quả hơn. Thiếu ngủ đồng nghĩa với việc lượng serotonin bị giảm xuống, tức là khả năng điều tiết cảm xúc của bạn bị kém đi. Bạn sẽ dễ bị trầm cảm, bực bội, lo âu... và dễ rơi vào tình trạng mất ngủ.

Theo SK&ĐS