6 dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ ở trẻ em
Bệnh tự kỷ ở trẻ em là một chứng rối loạn các chức năng của não, đặc trưng bởi những khiếm khuyết về quan hệ nhân sinh, giao tiếp ngôn ngữ, giao tiếp phi ngôn ngữ khiến cho các hành vi, sở thích bị hạn chế và lặp đi lặp lại nhiều lần. Phụ huynh thường nhận thấy dấu hiệu của bệnh này trong ba năm đầu đời của con mình.
6 dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ ở trẻ em
Bệnh tự kỷ ở trẻ em là một chứng rối loạn các chức năng của não, đặc trưng bởi những khiếm khuyết về quan hệ nhân sinh, giao tiếp ngôn ngữ, giao tiếp phi ngôn ngữ khiến cho các hành vi, sở thích bị hạn chế và lặp đi lặp lại nhiều lần. Phụ huynh thường nhận thấy dấu hiệu của bệnh này trong ba năm đầu đời của con mình.
Mặc dù chứng bệnh tự kỷ xuất hiện ở mọi trẻ em đến từ các tầng lớp và nền văn hoá khác nhau, nhưng dựa trên kết quả khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh (CDC) cho thấy các bé trai có khả năng gặp phải chứng bệnh này cao hơn các bé gái 4,5 lần.
Theo các nhà nghiên cứu, các dấu hiệu tự kỷ thường dễ dàng nhận biết ở trẻ nhỏ. Tuy hiện tại chưa có phương pháp chữa trị nhưng phát hiện và can thiệp sớm sẽ hỗ trợ các trẻ phát triển các kỹ năng quan trọng để học tốt, tham gia các hoạt động yêu thích và dễ dàng tìm việc làm khi đến tuổi trưởng thành. Thông thường, dấu hiệu nhận biết và biểu hiện tự kỷ ở mỗi trẻ một khác, thế nhưng tất cả các bé mắc chứng bệnh này đều có những dấu hiệu chung nhất định như sau:
Khó khăn trong giao tiếp - biểu hiện điển hình của bệnh tự kỷ ở trẻ em
Đây là một dấu hiện dễ dàng nhận biết trẻ tự kỷ rõ ràng nhất. Các nhà nghiên cứu cho biết các bé mắc chứng tự kỷ thường ít nói hơn các bé bình thường khác. Không phải lúc nào bé ít nói hay nói chậm cũng đều mắc chứng tự kỷ, mỗi bé từ một đến ba tuổi rưỡi đều có những quá trình phát triển ngôn ngữ riêng, có bé thường xuyên nói từng chữ nhưng chưa nói được thành câu và cũng có bé đã có thể nói được nhiều câu hoàn chỉnh.
Tuy nhiên ở trẻ tự kỷ, ngoài việc bị chậm nói, phải bao gồm những biểu hiện khác lạ. Ví như, trẻ có biểu hiện giống như thính lực kém, không phản ứng với âm thanh trong phòng, không giật mình trước một số tình huống bất ngờ. Trẻ dưới 6 tháng tuổi ngoan một cách bất thường, ít khóc, không quấy, thích chơi một mình, không hóng chuyện... Cũng có một số trường hợp trẻ quấy khóc một cách bất thường như khóc rất nhiều, khó ngủ, khó dỗ dành. 12 tháng tuổi, trẻ không bập bẹ, bi bô, trẻ không ra hiệu, làm điệu bộ như vẫy tay, với đồ chơi... 16 tháng tuổi, trẻ không nói được từ nào hoặc đến 2 tuổi, trẻ không nói được câu ngắn nào đáp trả. Ở độ tuổi lớn hơn, trẻ có thể bị mất hoặc suy thoái các kỹ năng ngôn ngữ và xã hội.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên biết rằng dù các bé chưa đến tuổi biết nói đều sẽ có những cách giao tiếp bằng nhiều cử chỉ và biểu cảm khác nhau như vẫy tay, lắc đầu, “mi gió”. Những cử chỉ nhỏ này thường xuất hiện ở trẻ sau 12 tháng tuổi và dần dần có nhiều động tác đa dạng hơn với mức độ thường xuyên trong những tháng tiếp theo. Tuy nhiên với những trẻ mắc chứng tự kỷ, bé sẽ không có những cử chỉ và điệu bộ để giao tiếp với người xung quanh. Trẻ không quan tâm chơi ú òa hay những trò chơi tương tác khác, không phản ứng mạnh khi cha mẹ bồng, ôm hay hôn, không giơ tay đòi bế ra khỏi nôi khi có người đến bế...
Trong trường hợp trẻ có biểu hiện tự cô lập và không có xu hướng chia sẻ, nói chuyện hay kết bạn với bất cứ ai kể cả bố mẹ hay bạn bè cùng trang lứa thì các bậc phụ huynh hãy đưa bé đến các bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời.
Thường xuyên né tránh ánh mắt người đối diện
Không nhìn vào mắt người đối diện kể cả lúc được gọi tên được xem là một trong những biểu hiện bé gặp khó khăn trong giao tiếp. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nhóm những bé có nguy cơ tự kỷ cao có số lần nhìn mặt người đối diện ít hơn hẳn so với nhóm còn lại. Vì thế bố mẹ hãy thường xuyên chú ý đến những biểu hiện và phản ứng của con trẻ.
Bé không có xu hướng bắt chước
Các chuyên gia cho rằng, các bé bình thường ở độ tuổi từ 3 đến 5 thường học hỏi bằng cách quan sát và thể hiện khả năng sáng tạo và giàu trí tưởng tượng của mình qua các hoạt động như làm đẹp cho búp bê, chơi đồ hàng hay diễn lại những cảnh hành động trên phim hoặc những tình huống xảy ra xung quanh mình. Đối với các trường hợp tự kỷ, các bé không có xu hướng bắt chước hay tự động chơi các trò chơi đóng vai nếu không có sự yêu cầu hay chỉ dẫn của người lớn. Cho nên các bậc cha mẹ hãy khuyến khích con trẻ mình học hỏi bằng cách bày ra những trò chơi yêu cầu bé phải quan sát, bắt chước và nhập vai nhằm đem lại sự vui tươi, lanh lợi.
Luôn bị ám ảnh bởi sự trật tự và lặp lại
Khi thấy con trẻ hay có những hành động lặp đi lặp lại thay vì sáng tạo, thay đổi thì đó chính là lúc các bậc phụ huynh nên lưu ý. Việc lặp đi lặp lại và sự ám ảnh trật tự thể hiện qua việc qua câu chữ và thói quen của trẻ. Trẻ không khám phá toàn bộ một đồ vật nào đấy mà chỉ chăm chú vào một chi tiết rất nhỏ, một chất liệu cụ thể, xem một bộ phim lặp đi lặp lại (hàng trăm lần) mà không chán. Do xử lý thông tin giác quan của trẻ bị rối loạn nên trẻ có những hành vi lặp đi lặp lại. Nếu có chuyện nào đó xảy ra bất ngờ khác với thường ngày hay làm ảnh hưởng đến thói quen, trẻ tự kỷ sẽ khó có thể chấp nhận và thích nghi được với những thay đổi đó. Các bé sẽ nổi giận, phản ứng vô cùng mạnh mẽ và có xu hướng bạo lực. Những biểu hiện như vậy thường xảy ra ở các bé lớn, nhưng bố mẹ có thể quan sát để nhận ra sự ám ảnh trật tự và lặp lại của con trẻ ngay từ lúc sơ sinh.
Bận tâm hoặc ám ảnh quá mức
Sự quan tâm quá mức về một vấn đề nào đó cũng có thể là dấu hiệu của chứng tự kỉ. Các bé mắc chứng tự kỷ không thể để một món đồ chơi hay đồ vật nào đó rời xa mình dù ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào như đó là thứ quan trọng và giá trị nhất với bé. Hoặc các bé sẽ bắt buộc phải xem một bộ phim hoạt hình bé thích khi ăn, nếu không sẽ không ăn và phản ứng rất dữ dội.
Các chuyên gia còn cho biết rằng trẻ biểu hiện sự quan tâm quá mức còn bao gồm sự lặp đi lặp lại liên tục của sự vật, sự việc như xem quạt xoay hàng giờ liền mà không chán hay bật tắt đèn liên tục.
Bé không chia sẻ sở thích với bất kỳ ai ngay cả bố mẹ
Một đứa trẻ bình thường sẽ luôn muốn khoe với bạn những gì bé thấy, bé làm, nhưng những bé tự kỷ sẽ không thể hiện điều đó. Bé sẽ không kể bạn nghe và cũng không muốn bạn chơi cùng bé. Điều các bạn cần làm không cần phải bắt ép bé phải chia sẻ hay tham gia với các bạn mà hãy khuyến khích bé quan sát các bạn chơi để khơi dậy sự tò mò và dần dần cải thiện sự giao tiếp và tương tác.
Trên đây là các dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ ở trẻ nhỏ để bố mẹ phát hiện sớm. Nếu bạn lo lắng về cách trẻ chơi, học, nói, hành động hay di chuyển hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm lý nhi. Trước khi đến các cuộc hẹn, bạn nên có một danh sách kiểm tra các cột mốc phát triển của trẻ và đọc trước những lời khuyên về cách nói chuyện với bác sĩ. Hãy nhớ rằng bạn là người hiểu con mình nhất và mối quan tâm của bạn dành cho con rất quan trọng. Nó sẽ giúp ích rất nhiều cho việc chẩn đoán khi bạn gặp bác sĩ. Nếu bạn vẫn không yên tâm sau khi nhận được những lời khuyên của bác sĩ, hãy tìm một ý kiến thứ hai. Đừng chần chừ vì hành động sớm sẽ tạo ra sự khác biệt.
Xem thêm:
- GS Nguyễn Thanh Liêm nói về "thời điểm vàng" để can thiệp trẻ tự kỷ
- 5 giây hiệu quả nhất trong thử nghiệm trị liệu ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ
- Chuyên viên trị liệu tâm lý trẻ tự kỷ: "Hạnh phúc vỡ òa khi ánh mắt chúng tôi chạm nhau"
- Nên khám bệnh tự kỷ cho trẻ ở đâu tại Hà Nội?
- Tự kỷ có chữa được không? Đâu là “thời gian vàng” để điều trị bệnh?
- Xác định bệnh tự kỷ có mấy loại