6 dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường
Tìm hiểu 6 dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường để có những hiểu biết cơ bản về căn bệnh đáng lo ngại này, sau đó có cách phòng chống & điều trị càng sớm càng tốt
6 dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường
Bạn có biết, bệnh tiểu đường (đái tháo đường) ngày nay đã trở thành một trong những bệnh mạn tính hay gặp nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết mình đang mắc bệnh tiểu đường. Vậy, đâu là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường. Hãy cùng HoiBenh tìm hiểu các triệu chứng điển hình để có những hiểu biết cơ bản về căn bệnh đáng lo ngại này, sau đó có cách phòng chống và điều trị càng sớm càng tốt.
Các dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường
Căn bệnh này được mệnh danh là "kẻ ném đá giấu tay" khi gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Quan tâm đến những dấu hiệu cảnh báo dù là nhỏ nhất sẽ giúp bạn đề phòng và đối phó tốt hơn.
1. Đói nhiều và dữ dội
Thức ăn được chuyển đổi thành đường glucose để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Trong khi đó, các tế bào cần có insulin mới có thể hấp thụ được glucose. Do đường huyết tăng cao nhưng cơ thể không thể sản xuất đủ insulin cần thiết để hỗ trợ. Các tế bào thiếu năng lượng dẫn đến cơ thể nghĩ rằng đã không được "cho ăn", từ đó khiến bạn cảm thấy đói dữ dội, có thể kéo dài ngay sau bữa ăn. Cảm giác đói khiến bạn muốn ăn nhiều hơn.
2. Khát nước, đi tiểu thường xuyên
Lý do khát nước được hiểu là do nồng độ glucose tăng cao trong máu (do tế bào cơ thể không hấp thụ được vì thiếu insulin), kéo nước từ trong tế bào ra ngoài, gây ra cảm giác khát nước, khiến bạn muốn uống nhiều nước hơn. Tuy nhiên, khi nồng độ đường glucose quá cao, vượt quá khả năng hấp thụ của thận, sẽ xuất hiện đường trong nước tiểu, hoặc gây đa niệu thẩm thấu (còn gọi là đái nhiều) khiến bạn đi tiểu thường xuyên.
3. Sút cân, mệt mỏi, dễ cáu kỉnh
Sút cân là một trong những dấu hiệu rất thường thấy của tiểu đường. Do đường là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể nhưng các tế bào không hấp thụ được, dẫn đến thiếu năng lượng. Thêm vào đó, cơ thể bạn phải tăng cường huy động lipid, protid để bù đắp sự thiếu hụt lượng đường đã bị tháo theo nước tiểu ra ngoài, điều này khiến cơ thể bạn gầy đi. Quá trình tiêu hao năng lượng này cũng khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi và dễ cáu kỉnh.
>>> Xem thêm: Chế độ ăn uống lành mạnh cho người mắc bệnh tiểu đường
4. Chậm lành vết loét hay nhiễm trùng thường xuyên
Lượng đường trong máu tăng cao đồng thời hệ miễn dịch suy giảm do mệt mỏi; thiếu hụt năng lượng vì phải huy động cả lipid và protid để cung cấp thêm năng lượng, đồng thời trở thành điều kiện lý tưởng để các vi sinh vật phát triển như liên cầu, tụ cầu, trực khuẩn lao,... Ngoài ra, đường huyết tăng cao cũng làm tăng cholesterol toàn phần hoặc tăng LDL-cholesterol (xấu, có hại) và giảm HDL-cholesterol (có ích). Về lâu dài, LDL-cholesterol tích đọng trong động mạch, làm thu hẹp lòng mạch và gây xơ vữa động mạch. Lượng máu đến nuôi dưỡng cho các mô trong cơ thể sẽ giảm đi, lý giải tại sao khi mắc tiểu đường sẽ dễ mắc bệnh ngoài da, nhiễm trùng thường xuyên và khó lành các vết thường, vết loét.
5. Tầm nhìn mờ
Khi thị lực của bạn suy giảm, đó có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu cao làm giảm chức năng của mạch máu nuôi dưỡng võng mạc hay lượng dịch tăng lên trong mắt, khiến tầm nhìn suy giảm.
6. Cơ thể xuất hiện những vùng da tối
Một số người bị bệnh tiểu đường type II có vùng da mượt màu đen thường ở nách và cổ. Tình trạng này, được gọi là rối loạn sắc tố da, có thể là dấu hiệu cho sự đề kháng insulin.
Kết
Các dấu hiệu trên đây là cảnh báo của 2 dạng bệnh tiểu đường thường gặp phải: tiểu đường type I và tiểu đường type II
- Tiểu đường type I là do tổn thương tế bào beta của đảo tụy dẫn đến giảm hay không sản xuất được insulin. Có nhiều nguyên nhân gây tổn thương tế bào beta, một trong số đó là do di truyền gen lặn. Tiểu đường type I xuất hiện ở những đối tượng trung bình dưới 20 tuổi. Tuy nhiên, nếu theo dõi tỉ mỉ có thể phát hiện bệnh ở 11 - 12 tuổi để có cách điều trị sớm.
- Khác với tiểu đường type I, tiểu đường type II xảy ra khi cơ thể đề kháng với insulin. Lứa tuổi mắc tiểu đường type II chủ yếu là 50 - 60 tuổi, một số trường hợp bắt đầu sớm hơn từ 40 tuổi. Tiểu đường type II chiếm đa số và phức tạp hơn. Nguyên nhân gây ra tiểu đường type II có thể do di truyền gen trội, tuy nhiên béo phì, ít vận động cũng là nguyên nhân gây tiểu đường type II.
Bệnh tiểu đường giờ đây đang trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe con người khi mức độ trẻ hóa của bệnh ngày càng gia tăng. Đừng chủ quan khi gặp bất kỳ những dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường nào, các xét nghiệm chẩn đoán chưa bao giờ là lãng phí trong việc phát hiện bệnh, và giúp kiểm soát sức khỏe của bạn luôn giữ phong độ tốt nhất.
Cám ơn đã đọc bài viết!