4 dạng bệnh hẹp van tim phổ biến nhất
Hẹp van tim là một bệnh lý tim mạch rất phổ biến và khá nguy hiểm hiện nay. Theo một số nghiên cứu gần đây cho thấy, có đến 40% bệnh nhân tim mạch có biểu hiện hẹp van tim. Bệnh hẹp van tim được coi là một trong những kẻ giết người thầm lặng. Do đó, chúng ta nên có sự quan tâm và hiểu rõ hơn về bệnh lý này.
4 dạng bệnh hẹp van tim phổ biến nhất
Giới thiệu về van tim
Quả tim bình thường có 4 buồng bao gồm 2 tâm nhĩ ở trên và 2 tâm thất ở dưới. Giữa các buồng tim có các cấu trúc đảm bảo cho tuần hoàn máu chỉ đi theo một chiều nhất định, cấu trúc đó chính là các van tim.
Thế nào là bệnh hẹp van tim?
Mỗi quả tim bình thường có tổng cộng 4 van tim nên ta sẽ có 4 dạng bệnh hẹp van tim tương ứng như sau:
- Hẹp van 2 lá: van 2 lá bị hẹp làm giảm lưu lượng máu từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái.
- Hẹp van 3 lá: van 3 lá bị hẹp làm giảm lưu lượng máu từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải.
- Hẹp van động mạch chủ: đây là một tình trạng khá nghiêm trọng. Van động mạch chủ hẹp gây cản trở dòng máu lưu thông từ tâm thất trái ra động mạch chủ để đi nuôi các cơ quan khắp cơ thể.
- Hẹp van động mạch phổi: van động mạch phổi hẹp làm cản trở dòng máu lưu thông từ tâm thất phải ra động mạch phổi để trao đổi oxy tại phổi.
Nguyên nhân gây bệnh hẹp van tim
Hẹp van tim có thể xảy ra do các nguyên nhân sau đây:
- Do bẩm sinh: van tim bị bất thường ngay khi còn ở trong bụng mẹ, thường gặp ở van động mạch chủ. Khuyết tật van tim bẩm sinh thường được chẩn đoán ngay khi còn ở độ tuổi trẻ em do thường có biểu hiện lâm sàng ngay từ giai đoạn này.
- Do bệnh cơ tim: có thể là bệnh lý bẩm sinh hoặc là biến chứng của bệnh khác như sốt do virus hay viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
- Do tuổi cao: khi tuổi cao, các van tim trở nên kém linh hoạt, dễ bị rách, dễ bị mảng bám canxi tại van, đây là hiện tượng vôi hóa van tim làm van bị dày lên, xơ cứng làm giảm lưu lượng máu đi qua.
- Do bệnh thấp tim: là bệnh lý gây tổn thương van tim do liên cầu khuẩn, thường gặp ở trẻ từ 5-15 tuổi. Thấp tim đã từng là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất, nhưng hiện tại đã rất ít gặp hơn. Thấp tim làm cho van tim bị dày dính, co kéo, vôi hóa gây nên tình trạng hẹp van, đặt biệt là van hai lá và van động mạch chủ. Tuy nhiên, các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi trẻ đã trưởng thành. Sử dụng kháng sinh phù hợp và đủ liều để điều trị viêm họng, có thể ngăn ngừa bệnh này xuất hiện ở trẻ.
- Một số bệnh lý khác như: Bệnh mạch vành, tăng huyết áp, phình động mạch chủ, hoặc sử dụng một số thuốc, phương pháp điều trị bằng bức xạ cũng có thể gây hẹp van tim.
Triệu chứng của bệnh hẹp van tim
Những triệu chứng xuất hiện còn tuỳ thuộc vào vị trí van tim bị hẹp, tuy nhiên khi có các triệu chứng này thì có thể nghi ngờ và nên đi khám để được phát hiện sớm:
- Tim đập nhanh, đánh trống ngực, đau ngực thường xuyên.
- Khó thở khi gắng sức.
- Choáng váng, ngất xỉu.
- Ho khan, ho kéo dài đặc biệt là khi nằm.
- Giảm khả năng hoạt động thể lực, mệt mỏi khi gắng sức.
- Tay chân lạnh
- Sưng phù mắt cá chân, bàn chân.
- Biến chứng của hẹp van tim
- Hẹp van tim lâu ngày nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến một số biến chứng sau:
- Suy tim: do tim phải làm việc gắng sức để bơm máu qua lỗ van bị hẹp, do đó lâu ngày sẽ dẫn đến cơ tim bị suy yếu.
- Rối loạn nhịp tim: như nhịp nhanh thất, ngoại tâm thu, rung nhĩ, rung thất.
- Biến chứng do cục máu đông gây ra: máu ứ đọng tại buồng tim hình thành nên các cục máu đông. Chúng có thể di chuyển đến các động mạch làm tắc nghẽn: gây ra nhồi máu cơ tim (tắc mạch vành), đột quỵ (tắc mạch não), thuyên tắc phổi (tắc mạch phổi), nhồi máu thận (tắc mạch thận), hoại tử ruột (tắc mạch mạc treo).
Trên đây đều là những biến chứng nguy hiểm. Do đó, không thể phủ nhận tính nghiêm trọng của bệnh lý hẹp van tim.
Chẩn đoán bệnh hẹp van tim dựa vào đâu?
Phần lớn các trường hợp hẹp van tim có thể phát hiện bằng ống nghe. Dòng chảy bất thường của máu sẽ tạo ra âm thanh, gọi là âm thổi. Việc nghe tim này có thể đem lại nhiều thông tin hữu ích cho chẩn đoán.
- Điện tâm đồ (ECG): là biểu đồ ghi lại hoạt động điện của tim nhưng thường ít có giá trị trong chẩn đoán bệnh van tim (đặc biệt là giai đoạn sớm). Điện tâm đồ thường dùng để phát hiện biến chứng rối loạn nhịp tim trên bệnh nhân.
- X-quang: là một cận lâm sàng đơn giản, có thể cung cấp những thông tin về tổn thương giãn buồng tim, gợi ý biến chứng suy tim và các tổn thương khác phối hợp.
- Siêu âm tim: Là một phương pháp rất có giá trị trong chẩn đoán nhóm bệnh van tim nói chung và bệnh lý hẹp van tim nói riêng. Đây là một thăm dò không xâm lấn, rất an toàn và rẻ tiền. Siêu âm tim có thể cho thấy rõ hình ảnh của các van tim cũng như giúp đánh giá mức độ hẹp trong nhiều trường hợp với độ chính xác cao. Nên được xem là lựa chọn đầu tay và tối ưu để chẩn đoán hẹp van tim.
- Thông tim: được chỉ định trong một số trường hợp để đánh giá một cách chính xác tổn thương van tim, cơ tim và mạch máu. Tuy nhiên thực tế ít thực hiện do là một thăm dò xâm lấn nên có thể gây nguy hiểm, thường chỉ được thực hiện trong trường hợp khó và ở những trung tâm tim mạch lớn.
Điều trị bệnh hẹp van tim
Điều trị nội khoa bằng thuốc
Thuốc không thể khiến van tim trở về bình thường nhưng sẽ giúp người bệnh giảm các triệu chứng khó chịu và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: tránh nhiễm khuẩn.
- Thuốc lợi tiểu: giảm khó thở, giảm sưng.
- Thuốc chống đông: phòng biến chứng do cục máu đông gây ra.
- Các nhóm thuốc khác để điều trị triệu chứng.
Nong van, mổ tách van tim hoặc thay van
Không phải trường hợp hẹp van nào cũng cần phẫu thuật thay van. Nhưng khi bệnh tiến triển nặng hoặc đáp ứng kém với thuốc, bác sĩ vẫn cân nhắc can thiệp để ngăn ngừa biến chứng, mặc dù vậy hiện nay chi phí phẫu thuật thay van tim bị hẹp vẫn khá cao. Các phương pháp phẫu thuật trên van tim gồm: nội soi nong van tim bằng bóng qua da, mổ hở sửa chữa van tim và thay van tim.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Gia Khải - nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam: Sau phẫu thuật van tim, nếu vẫn tái khám định kỳ, dùng thuốc đều đặn thì van tim được sửa chữa có thể tồn tại trong nhiều năm, thậm chí là suốt đời. Còn nếu ăn uống, sinh hoạt không điều độ, không dùng thuốc đúng theo chỉ định, để bị nhiễm khuẩn gây viêm nội tâm mạc thì hẹp van có thể tái phát.
Chế độ dinh dưỡng khi mắc bệnh hẹp van tim
Hẹp van tim nên ăn gì, kiêng gì để đủ dinh dưỡng nhưng không ảnh hưởng đến thuốc điều trị (đặc biệt là thuốc chống đông). Dưới đây là một số lưu ý trong chế độ ăn uống nên được áp dụng:
- Ăn giảm mặn: Nên luộc hấp thức ăn thay vì kho, xào.
- Tăng cường ăn các loại trái cây tươi, rau quả.
- Nên ăn thực phẩm ít béo hoặc chứa chất béo không bão hòa như dầu thực vật thay vì mỡ động vật, hạn chế các món ăn chiên rán.
- Hạn chế đồ uống có chứa chất kích thích như rượu bia, cà phê.
- Hạn chế ăn các loại rau màu xanh đậm khi đang dùng thuốc kháng vitamin K vì sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc chống đông này.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên điều chỉnh chế độ sinh hoạt để phòng ngừa và ngăn chặn hẹp van tim nặng thêm. Cụ thể như sau:
- Vệ sinh răng miệng tốt để tránh nguy cơ nhiễm trùng răng miệng do liên cầu khuẩn.
- Tiêm vắc xin cúm hằng năm
- Kiểm soát tốt các bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, viêm họng...
- Không hút thuốc lá
- Tập thể dục đều đặn
- Khám sức khỏe định kỳ, đến bác sĩ chuyên khoa khám ngay khi có dấu hiệu bất thường gợi ý hẹp van tim.
Xem thêm:
- Bị bệnh hẹp van tim nên mổ ở viện nào tại Hà Nội?
- Thông tin cần biết về bệnh hở van tim 2 lá
- 10 lời khuyên không thể bỏ qua cho người mắc bệnh tim