4 cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh để phòng nhiễm khuẩn, uốn ván

Rốn trẻ sơ sinh được xem như một "cửa ngõ" quan trọng - nơi mà vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây các chứng bệnh nghiêm trọng như nhiễm khuẩn, uốn ván rốn, thậm chí là tử vong. Do đó, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đến cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh.

4 cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh để phòng nhiễm khuẩn, uốn ván 4 cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh để phòng nhiễm khuẩn, uốn ván

Rốn trẻ sơ sinh được xem như một "cửa ngõ" quan trọng - nơi mà vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây các chứng bệnh nghiêm trọng như nhiễm khuẩn, uốn ván rốn, thậm chí là tử vong. Do đó, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đến cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh.

Khi còn trong bụng mẹ, dây rốn là sợi dây liên kết thần kỳ giữa mẹ và con. Là đường truyền cung cấp dưỡng chất và dưỡng khí quý báu từ mẹ sang thai nhi để bé lớn lên từng ngày. Đến khi bé chào đời, các bác sĩ sẽ cắt dây rốn cho bé, chỉ để lại phần cuống rốn nhỏ, dài khoảng 3 - 5cm.

Lúc này, cuống rốn hở, chưa được nối liền hoàn toàn (thường được gập rồi kẹp lại). Sau khoảng 7 - 10 ngày cuống rốn mới rụng và sau 15 ngày thì phần da ở rốn mới liền hẳn. Nếu không chăm sóc đúng cách thì đây có thể trở thành ổ nhiễm trùng, đưa vi khuẩn vào máu, đi khắp khắp cơ thể và gây tử vong ở trẻ sơ sinh.

Do đó, việc chăm sóc cuống rốn sau khi sinh và những ngày mới sinh là hết sức quan trọng. Mẹ hoặc người trực tiếp cần chú ý đến 4 vấn đề chính trong cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh gồm:

Vệ sinh bản thân trước khi chăm sóc rốn trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh đặc biệt là vùng rốn rất nhạy cảm nên trước khi thăm rốn hoặc tắm cho trẻ thì người chăm sóc cần vệ sinh bản thân kỹ lưỡng. Tốt nhất là hãy rửa tay bằng nước sạch và xà bông thật kỹ, có thể dùng cồn để sát trùng. Nếu cẩn thận hơn thì nên chăm sóc rốn trẻ sơ sinh sau khi tắm (đã vệ sinh cơ thể, thay quần áo sạch sẽ). Hạn chế việc vừa đi ngoài đường khói bụi, đi qua những khu vực ô nhiễm về đã tiếp xúc và thăm rốn của bé.

vicare.vn-4-cach-cham-soc-ron-tre-so-sinh-de-phong-nhiem-khuan-uon-van-body-1

Cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh chưa rụng

Rốn trẻ sơ sinh sau khi cắt sẽ được kẹp lại. Mẹ hoặc người chăm sóc có thể tháo kẹp sau 48 giờ. Trong ngày đầu rốn còn tươi, các mẹ nên dùng băng bằng gạc vô khuẩn để che rốn lại. Khi rốn đã khô hơn thì nên chuyển sang dùng miếng gạc mỏng, thoáng để rốn mau khô. Tuyệt đối không rắc bất cứ thứ gì lên rốn khi chưa có chỉ định của bác sĩ hay để rốn dính nước vì sẽ làm dây rốn lâu rụng, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Có thể chăm sóc rốn cho trẻ ngay sau khi tắm vì sẽ tiện và sạch hơn. Ngoài ra, cần thăm rốn mỗi ngày, thường xuyên ngửi xem rốn có mùi hôi không (rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi có thể là dấu hiệu của việc nhiễm khuẩn, có mủ). Tuy nhiên, khi rốn chưa rụng thì không nhất thiết phải tắm mỗi ngày. Khi tắm cũng nên tắm kiểu “đầu chân” để đảm bảo rốn được khô. Sau khi tắm, áp dụng cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn như sau:

  • Nhẹ nhàng tháo phần băng rốn của bé.
  • Quan sát kỹ mặt cắt rốn và vùng xung quanh xem có bị viêm đỏ, có dịch vàng, mủ, chảy máu hay có mùi hôi không.
  • Dùng bông đã được tiệt khuẩn thấm kỹ, lau nhẹ vùng rốn của bé.
  • Nếu rốn còn tươi thì dùng que gòn thấm cồn iod 1% (hoặc cũng có thể vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý) chấm từ mặt cắt của dây rốn xuống thân rốn, chân rốn. Nếu rốn khô thì chấm cồn iod 1% từ chân rốn lên thân rốn.
  • Dùng que gòn thấm cồn 70 độ sát trùng da vùng quanh rốn từ trong ra ngoài. Vùng da sát trùng rộng khoảng 5cm. Cần làm nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương cho da bé.
  • Mỗi que gòn chỉ lau qua 1 vòng, tuyệt đối không lau qua lau lại. Sau khi sát trùng thì dùng que gòn mới để làm khô vùng rốn.
  • Cuối cùng dùng 1 lớp gạc mỏng hoặc loại gạc chun quấn rốn đã được tiệt trùng (bán sẵn trên thị trường) để quấn rốn lại cho bé. Không nên dùng gạc thường hoặc tã để băng rốn vì có thể khiến rốn lâu khô, gạc chưa tiệt khuẩn còn có thể là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn rốn. Ngoài ra, tã, bỉm của trẻ phải được gập dưới rốn và nên mặc áo thoáng rộng cho bé để ngăn cọ sát vào rốn.

Cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh đã rụng

Sau khoảng 7 – 10 ngày thì cuống rốn của trẻ sơ sinh sẽ rụng. Tuy nhiên, tùy theo cơ thể của trẻ và cách chăm sóc của mẹ mà cuống rốn có thể rụng sớm hoặc muộn 1 chút. Các mẹ không nên tác động quá nhiều vào vùng cuống rốn, không kéo dây rốn dù đây chỉ còn dính một ít mà hãy để dây rốn rụng tự nhiên.

Đặc biệt, cần lưu ý là dây rốn rụng sẽ không liền hoàn toàn ngay nên các mẹ vẫn cần áp dụng cách vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh sau khi rụng rốn một cách nghiêm ngặt. Cụ thể, cần giữ cho vùng rốn được khô thoáng, tránh sờ vào vùng rốn hay bối bất kỳ thảo dược, chất gì lạ lên rốn vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Mỗi ngày, mẹ cần giúp bé làm sạch đáy rốn 1 - 2 lần bằng miếng bông, gạc hoặc que gòn tiệt trùng thấm 1 chút cồn iod hoặc cồn 70 độ. Làm liên tục cho đến khi rốn bé hoàn toàn liền lại.

vicare.vn-4-cach-cham-soc-ron-tre-so-sinh-de-phong-nhiem-khuan-uon-van-body-2

Các dấu hiệu lạ/bất thường ở rốn trẻ sơ sinh

Trong quá trình áp dụng cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh, mẹ cũng cần chú ý các dấu hiệu lạ của rốn để có phương án xử lý kịp thời. Cụ thể:

  • Sau 3 – 4 tuần rốn bé không rụng thì mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế.
  • Một số trẻ có thể bị dị ứng với cồn nên nếu thấy tình trạng vùng da lau cồn bị sưng đỏ, nổi nốt, bé khó chịu thì dừng lau bằng cồn, gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn về dung dịch vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh hiệu quả khác.
  • Cần đưa bé đi khám ngay nếu có các dấu hiệu nhiễm trùng, viêm rốn có mủ, viêm mạch máu rốn, uốn ván rốn, u hạt rốn như: rốn sưng, đỏ vùng da quanh rốn, có mùi hôi, rỉ dịch vàng, có mủ, rốn chảy máu, ướt lâu sau khi dây rốn đã rụng. Ngoài ra, bé có thể có các biểu hiện toàn thân như sốt cao, quấy khóc, bỏ bú, thể trạng mệt mỏi, suy sụp...

Trên đây là cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh và những dấu hiệu nguy hiểm liên quan đến rốn trẻ sơ sinh mà cha mẹ cần biết. Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm nên cha mẹ cần áp dụng đúng cách chăm sóc và liên hệ với bác sĩ chuyên khoa Nhi khi có bất kỳ dấu hiệu lạ nào để được tư vấn kịp thời.

Xem thêm:

  • Những chú ý khi tắm cho trẻ sơ sinh sau khi rụng rốn
  • Hướng dẫn mẹ cách tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn đúng cách