3 dấu hiệu cho thấy bạn đã nhiễm giun kim

Giun kim có tên khoa học là Enterobius vermicularis, một loại ký sinh trùng sống trong cơ thể người. Chúng có mặt khắp mọi nơi trên thế giới, có thể lây nhiễm cho tất cả mọi người, đặc biệt chiếm tỷ lệ cao ở trẻ nhỏ.

3 dấu hiệu cho thấy bạn đã nhiễm giun kim 3 dấu hiệu cho thấy bạn đã nhiễm giun kim

Nhiễm giun kim gây ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt và sức khỏe người bệnh. Vì vậy chúng ta cần có hiểu biết đầy đủ để nhận biết, phòng và điều trị khi mắc bệnh giun kim một cách tốt nhất.

Đặc điểm của giun kim

Giun kim trưởng thành

Giun kim trưởng thành có kích thước nhỏ, màu trắng đục, đầu hơi phình và có vỏ khía, miệng có 3 môi hơi thụt vào phía trong. Dọc 2 bên thân có 2 mép hình lăng trụ. Con đực dài 2-5mm, đuôi cong, có gai giao hợp cong như lưỡi câu. Giun kim cái to và dài hơn con đực, khoảng 9-12 mm, đuôi nhọn và thẳng, tử cung chứa đầy trứng.

Trứng giun kim

Trứng của giun kim có màu xám trong, vỏ nhẵn, hình bầu dục và thường lép một đầu. Trứng có chiều dài 50- 60m, chiều ngang từ 30-32m. Bên trong trứng thường chứa ấu trùng do trứng giun kim phát triển nhanh.

vicare.vn-nhiem-giun-kim-nguy-hiem-nhu-the-nao-body-1

Chu kì phát triển của giun kim

Người là vật chủ duy nhất của giun kim. Giun kim trưởng thành sống ở ruột và lấy chất dinh dưỡng trong ruột người, giai đoạn đầu có thể ở ruột non sau chuyển xuống ký sinh ở đại tràng và manh tràng.

Giun kim đực và giun kim cái giao phối tại ruột, ngay sau đó con đực chết, con cái trong tử cung chứa đầy trứng di chuyển đến ký sinh vùng rìa và nếp kẽ hậu môn để đẻ trứng. Sau khi đẻ, giun cái teo lại và chết. Vì vậy tuổi thọ giun kim ngắn, chỉ khoảng 2 tháng.

Ngay sau khi đẻ, ấu trùng đã hình thành trong trứng giun kim dạng ấu trùng bụ. Nếu gặp điều kiện nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, ấu trùng bụ có thể phát triển thành ấu trùng thanh và có khả năng lây nhiễm. Nếu vô ý gãi tay vào nơi giun kim đẻ trứng, sẽ dễ dàng đưa vào miệng, hình thành phương thức lan truyền bệnh.

Khi người nuốt phải trứng giun kim có ấu trùng thanh, trứng theo đường tiêu hóa vào dạ dày, xuống tá tràng, ấu trùng thoát vỏ 2 lần phát triển thành giun kim trưởng thành ở ruột non, sau đó di chuyển xuống đại tràng, manh tràng để ký sinh. Thời gian hoàn thành chu kỳ khoảng 2-4 tuần.

Ngoài ra ấu trùng giun kim có thể nở ngay ở hậu môn và chui ngược lên ống tiêu hóa gây hiện tượng tái nhiễm.

Giun kim có ở những đâu?

Do đặc điểm chu kì phát triển của giun kim không phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh mà tùy thuộc chủ yếu vào tình hình vệ sinh cá nhân của vật chủ nên bệnh giun kim có mặt khắp nơi trên thế giới.

Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm giun kim chung từ 18,5-47%. Lứa tuổi mắc nhiều nhất là độ tuổi mầm non 1-5 tuổi. Tỷ lệ trẻ em nhiễm giun kim cao hơn ở trẻ em thành phố và trẻ em sống tập thể.

Nhiễm giun kim có biểu hiện như thế nào?

Ngứa hậu môn

Khi bị nhiễm giun kim, triệu chứng phổ biến nhất là ngứa hậu môn, thường gặp nhiều về buổi tối và giờ đi ngủ, đó là thời gian giun kim cái đi đẻ trứng.

Việc gãi ngứa sẽ làm hậu môn bị xây xước, sung huyết, có thể dẫn đến nhiễm trùng vi khuẩn thứ phát.

vicare.vn-nhiem-giun-kim-nguy-hiem-nhu-the-nao-body-2

Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa thông qua những biểu hiện như biếng ăn, đau bụng, buồn nôn, ỉa chảy...đặc biệt ở trẻ nhỏ. Ruột bị nhiễm giun kim có thể bị viêm nhiễm kéo dài, do đó phân thường lỏng, có khi có máu và chất nhày.

Kích thích thần kinh

Trẻ nhỏ khi bị nhiễm giun kim có những rối loạn về thần kinh do bị kích thích như mất ngủ, bứt rứt khó chịu, quấy khóc về đêm, nhiều trường hợp nặng có thể dẫn đến mê sảng, động kinh.

Nhiễm trùng ngoài ruột

Ở phụ nữ, giun kim có thể di chuyển đến sang âm đạo rồi lên tử cung, vòi trứng, buồng trứng gây viêm nhiễm và có thể dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.

Ở nam giới, có thể gây viêm tinh hoàn, cương dương hoặc di tinh.

Ngoài ra, khi trứng và giun chết, lắng đọng tại các vị trí lạc chỗ cũng có thể hình thành tổn thương viêm dạng u hạt hoặc áp xe.

Tại sao lại nhiễm giun kim?

Một số phương thức lây truyền giun kim trong cộng đồng như sau:

  • Ngứa gãi xung quanh hậu môn, tay bị dính trứng giun rồi đưa tay lên miệng. Trẻ em là đối tượng bị tái nhiễm thường xuyên qua cách này.
  • Hít phải trứng giun trong bụi, trứng giun lơ lửng trong không khí.
  • Trứng giun có thể vương vãi khắp mọi nơi trong nhà như ghế ngồi, giường chiếu, vì vậy bệnh giun kim thường mang tính tập thể, gia đình.
  • Ngoài ra, giun kim còn có đường truyền nhiễm bất thường: trứng giun kim phát triển thành ấu trùng tại các nếp rãnh hậu môn và nở thành ấu trùng. Những ấu trùng này chui vào hậu môn và di chuyển ngược lên manh tràng để phát triển thành giun trưởng thành, tiếp tục gây bệnh.

Làm thế nào để biết đã bị nhiễm giun kim?

Chẩn đoán lâm sàng

Dấu hiệu trẻ em bị nhiễm giun kim thường gặp là ngứa hậu môn và quấy khóc về đêm, soi dễ dàng tìm thấy giun cái màu trắng, nhỏ, di chuyển ở vùng rìa hậu môn, ở bé gái có thể tìm thấy giun kim trong âm đạo.

Chẩn đoán xét nghiệm

Một số phương pháp chẩn đoán xét nghiệm mắc giun kim như:

  • Phương pháp Graham: dùng miếng băng keo có dán sẵn gôm Arabic, dán vào hậu môn trẻ em buổi tối, sáng ra bóc lấy rồi áp vào 1 miếng kính sạch rồi soi kính hiển vi tìm trứng giun kim.
  • Phương pháp giấy bóng kính của Đặng Văn Ngữ: dùng giấy bóng kính kích thước 22x32 mm, giấy được phết 1 lớp hồ dính. Khi dùng thấm một ít nước vào mặt hồ, rồi chùi kỹ vào hậu môn, sau đó dán lên phiến kính để soi tìm trứng giun kim.
  • Phương pháp Scriabin: dùng tăm bông vô trùng tẩm nước muối sinh lý rồi quệt vào các nếp kẽ hậu môn và đem rửa bằng nước muối sinh lý. Ly tâm nước rửa, lấy cặn làm tiêu bản soi trứng giun dưới kính hiển vi.
vicare.vn-nhiem-giun-kim-nguy-hiem-nhu-the-nao-body-3

Biện pháp điều trị giun kim

Khi bị nhiễm giun kim, các bệnh nhân sẽ được khuyên điều trị hàng loạt cả gia đình hoặc tập thể, đồng thời điều trị nhiều ngày liên tiếp do bệnh dễ lây nhiễm. Bên cạnh điều trị cần kết hợp phòng tránh để chống tái nhiễm.

Biện pháp điều trị thông dụng nhất là thuốc tẩy giun kim, người bị nhiễm giun kim cần uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Một số phác đồ điều trị giun kim hiện nay:

Mebendazole

Uống liều duy nhất 100 mg x 1 ngày, cho cả người lớn và trẻ em trên 2 tuổi, và cần điều trị nhắc lại sau 2 tuần với liều giống trước đó. Lưu ý không được dùng cho những người dị ứng với Mebendazole, và cần sử dụng thận trọng trên phụ nữ có thai, trẻ em dưới 2 tuổi.

Albendazole

Uống liều duy nhất 400 mg x 1 ngày, cho cả người lớn và trẻ em trên 2 tuổi, điều trị nhắc lại sau 3 tuần với liều giống như trước đó. Với trẻ em dưới 2 tuổi: 200 mg liều duy nhất trong 1 ngày, sau 3 tuần, uống lặp lại giống liều trước đó. Lưu ý tuyệt đối không dùng trên phụ nữ có thai và những người bị dị ứng với Albendazole.

Pyrantel pamoat

Đối với người lớn và trẻ em trên 2 tuổi uống liều 11mg/ kg (tối đa 1g), uống 1 lần, nhắc lại liều sau 2 tuần nếu có chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, cần giữ gìn không gian sinh hoạt và cá nhân sạch sẽ:

  • Nên lau nhà, không nên quét nhà vì trứng giun kim có thể lơ lửng trong không khí.
  • Giặt sạch và thường xuyên thay ga trải giường, thảm ngồi, ...
  • Rửa tay đúng cách bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
  • Cắt ngắn móng tay.
  • Không cho trẻ em mút tay, mặc quần thủng đít.
  • Rửa sạch thực phẩm, rau, trái cây trước khi ăn.
  • Thường xuyên trị giun cho vật nuôi.
  • Có thể kết hợp với một số thực phẩm để điều trị giun kim tại nhà như: tỏi, cà rốt, hạt bí ngô, dầu dừa, hạt đu đủ... Bên cạnh đó cần dự phòng những đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là trẻ em từ 2-12 tuổi, cần tẩy giun định kỳ, 2 lần/năm cách nhau 4-6 tháng.
  • Khi thấy có biểu hiện bị nhiễm giun kim, bạn nên đi khám để được điều trị kịp thời, tránh gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bản thân và lây truyền nguồn bệnh ra cộng đồng.

(HoiBenh chuyển ngữ từ Dailymed - Drugs)

Xem thêm:

  • Khi nào nên tẩy giun cho trẻ
  • Bị ngứa ở hậu môn sau khi uống thuốc tẩy giun phải làm sao?
  • Xét nghiệm giun sán ở đâu Hà Nội?