3 biến chứng dễ gặp nhất của viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày là một bệnh lý đường tiêu hóa khá phổ biến ở nước ta với khoảng 26% dân số mắc phải căn bệnh này. Nó ảnh hưởng đến nhu cầu thiết yếu và cơ bản nhất của con người là ăn uống, do đó cản trở quá trình tận hưởng cuộc sống và trở thành một vấn đề sức khỏe không ai muốn mắc phải.

3 biến chứng dễ gặp nhất của viêm loét dạ dày 3 biến chứng dễ gặp nhất của viêm loét dạ dày

Chúng ta đều mong muốn “ăn ngon mặc đẹp”, vậy hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh khỏi căn bệnh khó chịu này!

Viêm loét dạ dày là bệnh như thế nào?

Viêm loét dạ dày là hệ quả của một sự mất cân bằng giữa hai cán cân: một bên là yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày, một bên là yếu tố phá hủy niêm mạc dạ dày. Khi yếu tố phá hủy tác động mạnh hơn yếu tố bảo vệ, sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày. Tình trạng viêm thể hiện phản ứng ban đầu của niêm mạc dạ dày khi tiếp xúc với các yếu tố tấn công như dịch vị, enzyme pepsin. Niêm mạc trở nên đỏ, sưng nề, xung huyết. Loét xuất hiện khi tổn thương ăn sâu vào lớp cơ dưới niêm mạc, tạo thành vết lõm có kích thước lớn hơn 0,5cm.

vicare.vn-3-bien-chung-de-gap-nhat-cua-viem-loet-da-day-body-1

Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày

Mặc dù có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra nhưng trên thực tế chỉ có 3 nguyên nhân chính gây ra hầu hết các thể viêm loét dạ dày:

Xoắn khuẩn Helicobacter pylori (HP)

Tỷ lệ nhiễm HP chung ở người Việt Nam là 70% và có khoảng 1 – 2% trong số đó bị viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, xét trong tập hợp những người bị viêm loét dạ dày, HP chính là nguyên nhân chủ yếu gây nên loét dạ dày, viêm dạ dày cấp và mạn, ung thư dạ dày.

HP sản xuất ra các men phá hủy chất nhầy bảo vệ niêm mạc, đồng thời tạo ra amoniac khiến cho môi trường tại chỗ có pH acid và gây ra ổ loét.

Paracetamol và các thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Đây là nhóm thuốc chống viêm được dùng hết sức phổ biến với các đại diện như: aspirin, ibuprofen... Chúng làm giảm tiết chất nhầy niêm mạc dạ dày, khiến cho niêm mạc dễ bị tổn thương.

Yếu tố tâm lý (Stress)

Trạng thái căng thẳng thần kinh do stress kéo dài tác động lên các tế bào tiết nhầy niêm mạc, làm giảm tiết HCO3 có tác dụng trung hòa acid, lượng acid dư thừa tấn công niêm mạc dạ dày.

Ngoài ra, còn một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh dạ dày:

  • Thuốc lá
  • Bia, rượu, đồ uống có cồn
  • Thuốc corticoid
vicare.vn-3-bien-chung-de-gap-nhat-cua-viem-loet-da-day-body-2

Triệu chứng của viêm loét dạ dày

  • Đau bụng chủ yếu ở vùng thượng vị với các mức độ khác nhau. Cơn đau thường xuất hiện sau khi ăn trong khoảng từ vài chục phút đến vài giờ, có tính chu kì, thường gia tăng vào mùa đông. Tùy vào vị trí ổ loét ở dạ dày mà cơn đau có thể lan đến những vùng khác nhau. Nếu ổ loét nằm ở thành sau của dạ dày thì đau có thể lan ra sau lưng.
  • Ợ hơi, ợ chua, nóng rát ở vùng thượng vị
  • Buồn nôn và nôn
  • Rối loạn tiêu hóa, ăn uống không ngon miệng, sút cân, mệt mỏi.

Các biến chứng của viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày không phải bệnh khó điều trị, tuy nhiên nó có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm.

Xuất huyết tiêu hóa

Đây là biến chứng hay gặp nhất của viêm loét dạ dày, gặp ở khoảng 15 – 20% số bệnh nhân. Xuất huyết dạ dày gây ra triệu chứng nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Một số trường hợp xuất huyết ồ ạt có thể nguy hiểm đến tính mạng, do đó cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay khi thấy nôn ra máu nhiều và kéo dài.

Thủng dạ dày

Đây cũng là một biến chứng nguy hiểm khởi đầu bằng cơn đau dữ dội như dao đâm, triệu chứng điển hình của viêm phúc mạc. Khi bệnh nhân rơi vào trạng thái nhiễm trùng nhiễm độc thì thường khó qua khỏi sau vài ngày.

Ung thư dạ dày

Viêm loét dạ dày nếu không được điều trị kịp thời, đặc biệt là viêm mạn tính, có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Theo dữ liệu năm 2018 của Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư dạ dày có tỷ lệ mắc và gây tử vong cao thứ 3 trong các bệnh ung thư ở Việt Nam.

vicare.vn-3-bien-chung-de-gap-nhat-cua-viem-loet-da-day-body-3

Điều trị và phòng tránh viêm loét dạ dày

Chúng ta cần điều trị viêm loét dạ dày để nó không ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống, đồng thời ngăn cản bệnh tiến triển thành những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Để điều trị viêm loét dạ dày một cách toàn diện, cần kết hợp giữa việc uống thuốc và xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn và sinh hoạt điều độ.

Các nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm loét dạ dày

  • Thuốc trung hòa lượng acid dư thừa trong dạ dày
  • Thuốc làm giảm tiết acid
  • Thuốc ức chế bơm proton: tác dụng ức chế enzyme xúc tác cho quá trình bài tiết acid
  • Đối với viêm loét dạ dày do HP: sử dụng kháng sinh theo đúng liều kê đơn để đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời tránh hiện tượng kháng thuốc
  • Đối với viêm loét dạ dày do thuốc NSAID: ngưng sử dụng các thuốc NSAID trong quá trình điều trị

Xây dựng lối sống lành mạnh

  • Tránh sử dụng các loại bia rượu, không hút thuốc
  • Chế độ ăn chứa các thực phẩm dễ tiêu hóa, ít dầu mỡ, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước
  • Chế độ sinh hoạt điều độ, không thức khuya, ngủ muộn; thời gian biểu hợp lý, tránh làm việc quá tải, dẫn đến căng thẳng; điều khiển cảm xúc sao cho cân bằng, tránh xúc động thái quá
  • Luyện tập các bài thể dục nhẹ nhàng: đi bộ buổi sáng, yoga...

Viêm loét dạ dày nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể tiến triển thành ung thư dạ dày. Do đó, khi thấy các triệu chứng đau bụng, ợ hơi, nóng rát, buồn nôn..., bạn nên đến khám với bác sĩ chuyên môn được chẩn đoán bệnh kịp thời và có kế hoạch điều trị hiệu quả.

Xem thêm:

  • Chữa viêm loét dạ dày bằng nghệ: Tốt nhưng nên cẩn trọng
  • Tại sao người bị bệnh viêm loét dạ dày tuyệt đối kiêng ăn thực phẩm cay nóng và đồ uống có ga?
  • 8 triệu chứng khẳng định bạn đã bị viêm loét dạ dày