10 căn bệnh ngoài da nguy hiểm tuyệt đối không được xem nhẹ
Một ngày 24 giờ, lúc nào làn da của chúng ta cũng phải chống chọi với nắng, gió, khói bụi, vi khuẩn, vì thế nếu không bảo vệ và chăm sóc da thật tốt, làn da sẽ rất dễ bị tổn thương và có nguy cơ mắc phải những căn bệnh ngoài da nguy hiểm. 10 căn bệnh ngoài da sau đây chính là lời cảnh báo cho những ai còn đang thờ ơ với làn da của chính mình.
10 căn bệnh ngoài da nguy hiểm tuyệt đối không được xem nhẹ
Bệnh ngoài da là gì?
Mỗi ngày, làn da chúng ta tiếp xúc với hàng tỷ vi khuẩn ở khắp mọi nơi, trên đủ loại vật dụng mà chúng ta cầm nắm sử dụng. Và cũng có hàng triệu trong số đó đang lăm le đe dọa gây ra những căn bệnh nguy hiểm cho làn da.
Bệnh ngoài da là bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến bề mặt da của chúng ta. Bệnh có thể không nguy hiểm đến sức khỏe tính mạng của chúng ta nhưng lại tác động vào bề mặt da gây mất thẩm mỹ, mất tự tin khi giao tiếp, khó khăn trong sinh hoạt trong cuộc sống, những cảm giác khó chịu, đau rát do bệnh ngoài da gây nên.
Dấu hiệu các bệnh ngoài da: là hiện tượng da bị dị ứng, nhiễm khuẩn, nổi ngứa, mẩn đỏ, phát ban bất kỳ vị trí nào trên cơ thể chúng ta, làm cho chúng ta đứng ngồi không yên, ăn không ngon miệng, ngủ không đủ giấc.
Các loại bệnh ngoài da thường gặp
1. Bệnh lang ben
Lang ben là một loại bệnh ngoại da rất hay gặp, đặc biệt là ở các nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Thủ phạm gây ra lang ben chính là loại virus có tên Pityrosporum orbiculaire. Đặc điểm của bệnh cũng rất dễ nhận biết, khi thấy xuất hiện những đốm da màu trắng riêng lẻ hoặc tụ từng mảng, gây ngứa khi ra mồ hôi hoặc đi dưới trời nắng gắt thì bạn đã bị lang ben
2. Bệnh hắc lào
Bệnh ngoài da gây khó chịu kế tiếp phải kể đến đó là hắc lào. Bệnh có các biểu hiện như ngứa, da nổi mẩn đỏ kèm mụn nước, vết nấm trên da hình tròn như đồng tiền nên đôi khi có tên gọi khác là lác đồng tiền. Nguyên nhân của hắc lào là do vi nấm thường thấy nhất có 2 loại Trychophyton và Epidermophyton. Lưu ý, bệnh ngoài da này có thể đe dọa mọi lứa tuổi, đặc biệt là nam giới, bệnh còn lây lan nhanh qua bởi việc dùng chung các vật dụng cá nhân của người bệnh.
3. Bệnh ghẻ
Đây là một loại bệnh ngoài da xảy ra do sự tấn công của ký sinh trùng Sarcopte Scabiei, dân gian gọi là cái ghẻ. Ghẻ là hiện tượng da bị nhiễm trùng, xuất hiện các mụn nước tạo cảm giác ngứa rát trên nhiều bộ phận cơ thể như kẽ tay, cổ, bụng, bộ phận sinh dục,...Bệnh có khả năng lây lan cao, nhất là những nơi đông đúc, vệ sinh kém.
4. Bệnh nấm da đầu
Nấm da đầu được xem là một trong các loại bệnh ngoài da ám ảnh của trẻ nhỏ. Đối tượng gây bệnh hầu hết là trẻ em, nhưng rất nhiều người trưởng thành cũng mắc phải bệnh này. Nấm da đầu với các vảy da bong tróc trên chân tóc, hoặc các vòng tròn đỏ, phát ban trên da đầu. Nấm da đầu không chỉ tạo cảm giác ngứa ngáy, đau đớn mà còn gây mất thẩm mỹ vì mái tóc người bệnh ngày một suy yếu, dễ rụng, dễ hói.
5. Bệnh zona
Nhiều người vẫn cho rằng bệnh zona và giời leo là một, nhưng thực tế không phải. Người bệnh giời leo là do da tiếp xúc với độc tố của côn trùng, còn zona phát sinh chính là do sự tái xuất của virus Varicella Zoster lẩn trốn trong các rễ thần kinh của những người từng có tiền sử bệnh thủy đậu. Zona có đặc điểm với các mụn nước to, dịch đục chạy lan trên một bên của cơ thể. Zona cũng rất dễ lây, những người chưa từng mắc thủy đậu sẽ không bị zona nhưng vẫn có nguy cơ lây nhiễm căn bệnh ngoài da này.
6. Bệnh vảy nến
Đúng như tên gọi của nó, bệnh vảy nến là loại bệnh ngoài da với các mảng da màu trắng xếp thành từng lớp tựa như sáp nến. Nguyên nhân của vảy nên được xác định là do rối loạn nội tiết dẫn đến tình trạng tế bào da phát triển quá nhanh, không kịp lột bỏ da chết. Đây là căn bệnh mãn tính, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng lại lấy đi vẻ đẹp vốn có của làn da người chẳng may bị bệnh.
7. Bệnh mề đay
Một loại bệnh ngoài da khác chắc hẳn ai cũng biết chính là nổi mề đay. Bệnh mề đay có 2 dạng chính, một là cấp tính, hai là mãn tính. Không giống như suy nghĩ thông thường của chúng ta, mề đay cấp tính lại dễ xác định nguyên nhân và cách trị hơn. Còn mề đay mãn tính rất khó phát hiện nguyên nhân, cũng như khó điều trị và ảnh hưởng lớn đến đời sống người bệnh. Mề đay thường xảy ra trên những đối tượng có cơ địa nhạy cảm, dị ứng với các chất kích thích hoặc một trong vô số các yếu tố từ môi trường ngoài như thực phẩm, thuốc, cây cỏ, thời tiết,...
8. Bệnh tổ đỉa
Tên khoa học của bệnh tổ đỉa là Dysidrose, là một dạng bệnh ngoài da đặc biệt của bệnh chàm. Bệnh có đặc điểm khác biệt chính là chỉ phát tác ở bàn tay và bàn chân. Dấu hiệu nhận biết của bệnh là các mụn nước nổi khắp những khu vực này, gây hiện tượng ngứa rát, thậm chí kèm theo triệu chứng sốt. Nguyên nhân của tổ đỉa rất đa dạng, chủ yếu gây ra bởi dị ứng và nhiễm khuẩn, bệnh cũng rất hay tái phát, dai dẳng khó trị dứt.
9. Bệnh viêm da tiếp xúc
Với những người có làn da nhạy cảm thì nguy cơ mắc viêm da tiếp xúc khá cao. Viêm da tiếp xúc cũng là một trong các bệnh ngoài da thường gặp, do dị ứng với hóa chất, thuốc trừ sâu, các loại mỹ phẩm. Bệnh phát triển nhanh, cấp tính, vùng da tiếp xúc với chất dị ứng sẽ sưng đỏ, phát ban hoặc nổi mụn nước gây tổn thương làn da người bệnh.
10. Bệnh bạch biến
Căn bệnh ngoài da cuối cùng trong khuôn khổ bài viết này mà chúng tôi muốn đề cập là bệnh bạch biến - một trong số những loại bệnh có tính chất di truyền. Nếu bị bệnh bạch biến, bạn sẽ nhận thấy trên mu bàn tay, cổ, lưng, ngực,...xuất hiện các vùng mất sắc tố hóa thành màu trắng, thậm chí có đốm nâu xen kẽ rất khó coi.
Những lưu ý khi mắc phải những bệnh ngoài da
Nên
Mặc áo chất liệu mềm nhẹ thoáng mát, luôn đảm bảo giữ vệ sinh sạch sẽ, nhất là vùng bị tổn thương vì bệnh ngoài da đúng cách, tốt hơn hết là nên có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Chú trọng thực đơn, tránh các loại thực phẩm làm tình trạng da nặng thêm, đặc biệt là với các bệnh mề đay, dị ứng,...
Đến các cơ sở y tế sớm nhất có thể, để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị hợp lý.
Không nên
Không tùy tiện gãi, cào hoặc tác động mạnh lên vùng da bệnh, điều đó sẽ khiến bệnh ngoài da thêm trầm trọng, nguy cơ nhiễm trùng cao.
Không tự ý uống thuốc, bôi thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ, cũng như tuyệt đối không được dùng các loại thuốc tự chế, các phương pháp truyền miệng không có căn cứ khoa học.
Không sử dụng các loại mỹ phẩm, xà phòng có tính tẩy rửa mạnh khi đang bị các bệnh ngoài da.
Xem thêm:
- 5 bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh thường gặp
- Khám bệnh ngoài da cho trẻ ở đâu tại Hà Nội?