10 bệnh sau đây khiến bệnh nhân dễ bị lạnh tay chân

Tay và chân là bộ phận ngoại vi của cơ thể, do đó nhiệt độ thường thấp hơn các bộ phận khác, đây là lý do vì sao vào những ngày thời tiết lạnh lẽo, rất nhiều người bị lạnh tay chân ngay cả khi cơ thể được ủ ấm trong chăn và phải mang tất hoặc ủ ấm rất lâu mới hết. Với những người bị lạnh tay chân khi thời tiết lạnh giá là điều bình thường, không có gì đáng ngại.

10 bệnh sau đây khiến bệnh nhân dễ bị lạnh tay chân 10 bệnh sau đây khiến bệnh nhân dễ bị lạnh tay chân

Vì khi nhiệt độ thấp, các mạch máu ngoại biên ở các chi co lại, để giảm lưu lượng máu đến các khu vực này, từ đó làm giảm lượng nhiệt mà cơ thể mất đi nhằm bảo vệ, giữ ấm những phần cơ thể quan trọng khác. Giảm lưu lượng máu, giảm oxy trong mô, khiến tay chân bị tái ngắt. Những biểu hiện này thường không nghiêm trọng và sẽ trở lại bình thường khi nó được làm nóng lên.

Bị lạnh tay chân là biểu hiện bệnh gì?

Nhưng trong một số trường hợp thì lạnh chân tay là dấu hiệu của một căn bệnh nào đó. Nếu bạn luôn cảm thấy tay chân lạnh ngay cả khi trời không lạnh thì bác sĩ buộc phải nghĩ đến những chứng bệnh thường gặp như:

Suy tuyến giáp (suy giáp trạng)

Suy giáp trạng là trường hợp tuyến giáp không sản xuất đủ hormon ảnh hưởng tiêu cực đến sự trao đổi chất của cơ thể. Sự trao đổi chất của cơ thể lại ảnh hưởng đến tuần hoàn, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể do đó có thể dẫn tới tay chân lạnh.

Hiện tượng Raynaud

Bình thường, nếu gặp môi trường lạnh cơ thể chúng ta tự điều tiết làm co các mạch máu nhỏ ở ngoại biên (tay, chân, đầu ngón tay - chân, mũi, vành tai) để bảo vệ cho phần nhiệt lượng ở trung tâm cơ thể (óc phổi bụng), dẫn đến tay chân lạnh và tái. Ở người có hiện tượng Raynauld, phản xạ tự nhiên này của cơ thể trở nên quá mẫn cảm với những thay của nhiệt độ bên ngoài, ngón tay ngón chân dễ trở nên tái hoặc tím ngắt, lúc bớt lạnh thì trở nên đỏ và sưng; đối với những ca nhẹ thì bệnh nhân chỉ cảm thấy lạnh, khám không thấy gì đặc biệt...chỉ cần mang áo ấm, găng tay, vớ. Đây là hiện tượng thường xảy ra ở người trẻ, ở phụ nữ và có thể đi kèm theo bệnh thứ phát là phong thấp.

vicare.vn-10-benh-sau-day-khien-benh-nhan-de-bi-lanh-tay-chan-body-1

Căng thẳng thần kinh

Lo âu, mệt mỏi quá mức làm cơ thể chúng ta bị suy nhược cũng có thể gây hiện tượng bàn tay, bàn chân lạnh. Một trong những phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với stress hoặc lo lắng là bơm adrenaline vào máu. Adrenalin sẽ khiến các mạch máu ở ngoại biên co lại, làm giảm lưu lượng máu đến các vùng ngoài cùng của cơ thể. Phản ứng này giúp dự trữ năng lượng và chuẩn bị cho bất kỳ tổn thương cơ thể nào có thể xảy ra, khi tình trạng căng thẳng tăng cao.

Nhẹ cân

Người quá gầy dễ bị lạnh tay chân vì cơ thể ít mỡ để giữ nhiệt, khối cơ bắp là nơi phụ trách phát nhiệt chống lạnh ở người gầy cũng ít hơn.

Biếng ăn

Những người kén ăn, hoặc ăn quá ít sẽ thiếu những chất cung cấp calori tạo nhiệt lượng như: tinh bột, mỡ... làm cơ thể có cảm giác lạnh.

Thiếu máu

Người bị thiếu máu do nhiều yếu tố, bao gồm thiếu sắt, vitamin B12, hoặc folate, hoặc do bệnh thận mạn tính thì cơ thể cũng cảm thấy lạnh hơn bình thường. Các bác sĩ có thể loại trừ nguyên nhân thiếu máu bằng xét nghiệm máu đơn giản: đo lượng huyết sắc tố.

Tuần hoàn máu kém

Người bị tuần hoàn máu kém khiến máu đến tận cùng các chi không đầy đủ, do đó thường xuyên gặp hiện tượng bàn tay bàn chân lạnh. Tuần hoàn máu kém có thể có nhiều nguyên nhân như: ngồi cả ngày không vận động, cuộc sống quá tĩnh tại có thể làm giảm tuần hoàn máu tới các chi. Người hút nhiều thuốc lá, có cholesterol máu cao hoặc có vấn đề về tim mạch cũng có thể khiến máu khó tiếp cận đến mọi khu vực của cơ thể, nhất là tới các chi dẫn đến bàn tay, bàn chân lạnh.

Rối loạn giấc ngủ

Rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh buồn ngủ ban ngày và mất ngủ ban đêm, thỉnh thoảng đột ngột cơ thể bị mềm nhũn, lăn đùng ra ngủ một giấc... Những người này cũng thường bị chứng lạnh kinh niên. Theo nhận định của các chuyên gia đó là do vùng Thalamus trong não bị rối loạn (Thalamus vừa phụ trách tình trạng thức - ngủ, vừa phụ trách về điều hòa thân nhiệt).

vicare.vn-10-benh-sau-day-khien-benh-nhan-de-bi-lanh-tay-chan-body-2

Rối loạn thần kinh

Các chứng rối loạn thần kinh cũng có thể là nguyên nhân của tay chân lạnh thường xuyên. Như suy nhược thần kinh có thể do chấn thương hoặc thương tích, hoặc do tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Bệnh lý thần kinh ngoại biên cũng có thể do bệnh gan, thận, nhiễm trùng hoặc di truyền. Nó thường gây ra các triệu chứng khác ngoài chứng lạnh tay chân.

Đái tháo đường

Người bị đái tháo đường có nguy cơ gặp các vấn đề về tuần hoàn máu. Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến hẹp động mạch, làm giảm lượng máu cung cấp cho mô. Ở một số người, do thiếu kiểm soát đường máu cao trong thời gian dài, khiến bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến biến chứng tổn thương thần kinh ngoại biên (ảnh hưởng chủ yếu tới bàn chân, cẳng chân, bàn tay, cánh tay). Các triệu chứng khác của biến chứng tổn thương thần kinh ngoại biên do đái tháo đường là cảm giác châm chích, tê bì, quá mẫn cảm với nhiệt độ, mất cảm giác ở chân tay.

Giải pháp cho những người bị lạnh tay chân

Nếu bị lạnh tay chân thường xuyên, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và cũng là cách tốt nhất để đưa ra biện pháp ngăn ngừa triệu chứng.

Một số biện pháp sau đây có thể được gợi ý cho những bệnh nhân thường xuyên bị lạnh tay chân:

  • Vận động: Đứng dậy và di chuyển, vận động được xem là một trong những cách dễ dàng nhất để làm ấm cơ thể và giúp máu lưu thông đến chân tay. Những người làm việc văn phòng, thường xuyên ngồi một chỗ cảm thấy bàn chân lạnh cóng nên định kỳ đứng dậy và đi bộ xung quanh sẽ giảm bớt triệu chứng này. Việc thúc đẩy lưu thông máu thông qua vận động, và các động tác tập thể dục giúp giữ chân tay ấm áp suốt cả ngày.
  • Mang giày và tất ấm: Tất và giày rất quan trọng đối với những người bị chân lạnh. Ngay cả khi ở trong nhà, thì việc mang tất và dép lông, thậm chí trải thảm trên sàn là giải pháp tốt cho đôi chân lạnh giá
vicare.vn-10-benh-sau-day-khien-benh-nhan-de-bi-lanh-tay-chan-body-3
  • Ngâm chân: Một trong những cách nhanh nhất để làm ấm đôi chân lạnh là ngâm chúng trong một chậu nước ấm từ 10 đến 15 phút, để giúp máu lưu thông tốt hơn tới bàn chân. Nên thực hiện việc này hàng ngày trước khi đi ngủ. Những người bị tổn thương thần kinh ngoại biên do bệnh đái tháo đường nên thận trọng khi sử dụng nước nóng để làm ấm chân, vì họ có thể không cảm nhận đúng về nhiệt độ của nước, có thể dẫn đến bị bỏng.
  • Dùng túi sưởi: Túi sưởi rất hữu ích đối với người thường xuyên bị lạnh tay chân, tiện sử dụng bất cứ lúc nào, bất cứ đâu.

Lời khuyên của thầy thuốc

Nên đến gặp bác sĩ nếu thấy tay chân lạnh kèm theo các triệu chứng như: mệt mỏi, giảm cân hoặc tăng cân, sốt, đau khớp, vết loét trên ngón tay hoặc ngón chân lâu lành, thay đổi bất thường trên da (phát ban, da dày, thay đổi màu sắc).

Nếu tay chân lạnh buốt bên trong, nhưng sờ vào da không cảm thấy lạnh, đây có thể là dấu hiệu tổn thương thần kinh hoặc các tình trạng rối loạn thần kinh nào đó. Cần được bác sĩ khám và xác định nguyên nhân để có hướng khắc phục.

Vào mùa đông, khá nhiều người bị lạnh tay chân .Và nhiều người vẫn cho rằng hiện tượng tay chân lạnh vào mùa đông là bình thường, tuy nhiên hiện tượng này còn ẩn chứa nhiều hiểm họa của các bệnh lý khác... Hãy cân nhắc việc theo dõi tình trạng của bản thân và đi khám bác sĩ nếu thấy bản thân có một trong số những biểu hiện khác thường từ chứng chân tay lạnh.

Xem thêm:

  • Tổng quan về bệnh chân tay lạnh
  • Tại sao bạn bị bệnh cước chân tay mùa lạnh?
  • Đổ mồ hôi lạnh tay chân - nguyên nhân do đâu?